MỘT VÀI Ý KIẾN TRAO ĐỔI VỀ ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC THẢO LUẬN CÁC BÀI THUỘC PHẦN V.1 TRONG CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ - HÀNH CHÍNH HIỆN NAY Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH NINH THUẬN
Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị- hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 1479/QĐ-HVCTQG ngày 21 tháng 4 năm 2014 và Quyết định số 3136/QĐ-HVCTQG ngày 14 tháng 7 năm 2016 về việc điều chỉnh Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã quy định thảo luận là một khâu quan trọng trong quá trình dạy học lý luận chính trị nói chung và dạy học Học phần V.1 (Một số kỹ năng lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở) nói riêng. Vì vậy để nâng cao chất lượng dạy học Học phần V.1, đổi mới phương thức thảo luận là một trong những vấn đề mà mỗi giảng viên và giảng viên kiêm chức khoa Dân vận cần phải quan tâm.
Học phần V.1 trong chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính hiện nay gồm có 09 bài với 40 tiết giảng dạy và 16 tiết thảo luận. Số tiết thảo luận trong học phần V.1 chiếm 28,6% tổng số giờ giảng dạy. Đây là khoảng thời gian mà giảng viên tổ chức cho học viên trao đổi, tranh luận nhằm giúp học viên làm rõ hơn những nội dung, giải quyết những vướng mắc trong các bài giảng đã được trao đổi liên quan đến nội dung, phong cách lãnh đạo, quản lý; liên quan đến các kỹ năng trong lãnh đạo, quản lý như kỹ năng ra quyết định và tổ chức thực hiện quyết định, kỹ năng tuyên truyền, thuyết phục, kỹ năng thu thập và xử lý thông tin, kỹ năng xử lý tình huống chính trị - xã hội; kỹ năng đánh giá và sử dụng cán bộ, kỹ năng điều hành công sở và vận dụng được lý luận đó để so sánh, đánh giá được thực trạng hoạt động lãnh đạo, quản lý của cơ quan, địa phương; đánh giá về đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và bản thân trong việc thực hiện các kỹ năng trong lãnh đạo, quản lý. Mặt khác, thảo luận cũng là khoảng thời gian để các giảng viên kiểm tra sự tiếp thu kiến thức bài giảng của học viên; là kênh quan trọng để giảng viên nắm bắt thực tế hoạt động lãnh đạo, quản lý tại cơ sở để bổ sung vào bài giảng cho phong phú, sinh động hơn, gắn lý luận với thực tiễn. Thảo luận được thực hiện có hiệu quả không chỉ góp phần giúp học viên mở rộng và nâng cao nhận thức vấn đề; khắc phục tính ỷ lại, sự tiếp thu một cách thụ động và kích thích phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu đặc biệt là tư duy sáng tạo của học viên; rèn luyện các kỹ năng, vận dụng được lý luận vào thực tiễn; tăng cường sự trao đổi về kiến thức lý luận và kinh nghiệm thực tiễn giữa giảng viên và học viên, góp phần nâng cao kỹ năng thuyết trình của học viên,…
Như vậy thảo luận trong dạy học Học phần V.1 có vai trò quan trọng, tuy nhiên học viên hiện nay chưa có cách nhìn nhận đúng đắn, xem nhẹ các buổi thảo luận. Học viên cho rằng đây chỉ là những buổi nhắc lại nội dung đã có trong giáo trình, chỉ là những buổi tóm lược lại nội dung, chỉ có một vài người phát biểu (thường tập trung vào những người hay phát biểu). Học viên thường hay chọn thời gian các buổi thảo luận để xin vắng học (vì vắng học thì bắt học lại còn vắng thảo luận thì ít khi bắt thảo luận bù). Học viên có cách nhìn nhận này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như nội dung thảo luận, cách quản lý học viên, phương pháp thảo luận, cách thức tổ chức thảo luận, sự thụ động của học viên…
Hiện nay nội dung thảo luận học phần V.1 là thảo luận theo bài, mỗi buổi gồm 2 bài và tập trung vào nội dung của 8 bài: hoạt động lãnh đạo, quản lý, phong cách lãnh đạo, kỹ năng ra quyết định và tổ chức thực hiện quyết định, kỹ năng tuyên truyền, thuyết phục; kỹ năng thu thập và xử lý thông tin; kỹ năng xử lý tình huống chính trị, xã hội; kỹ năng đánh giá và sử dụng cán bộ; kỹ năng điều hành công sở. Do đó nội dung thảo luận cụ thể trên lớp ở mỗi bài là tùy thuộc vào định hướng nội dung thảo luận của giảng viên và thông thường tập trung vào các vấn đề sẽ thi. Vì vậy mỗi giảng viên tùy theo kinh nghiệm, khả năng của mình tổ chức thảo luận theo các cách thức và phương pháp khác nhau. Tuy nhiên nhìn chung các giảng viên thường sử dụng chủ yếu phương pháp hỏi - đáp, phương pháp thảo luận nhóm còn các phương pháp khác ít sử dụng và thường khuyến khích tinh thần phát biểu của các học viên mà bỏ qua các học viên chưa lần nào phát biểu trong các buổi thảo luận.
Trong thời gian tới để nhằm giúp học viên có cách nhìn nhận đúng đắn về vai trò của các buổi thảo luận và mỗi buổi thảo luận học phần V.1 đều đạt hiệu quả cao hơn, theo tôi giảng viên cần phải chú trọng đổi mới phương pháp và cách thức tổ chức thảo luận, tập trung vào các khía cạnh sau đây:
Thứ nhất mỗi giảng viên được phân công thảo luận cần đầu tư chuyên sâu về giáo án thảo luận, tập trung ở việc hướng dẫn các vấn đề lý luận gắn với thực tiễn. Tùy thuộc vào nội dung bài giảng, có bài có thể hướng dẫn học viên vận dụng lý luận để đánh giá, nhận xét các tình huống thực tế để từ đó rút ra những vấn đề cốt lõi hay nhắc lại về lý thuyết những vấn đề mà học viên cần chú ý. Ví như thảo luận bài 2 phong cách lãnh đạo nghiên cứu đưa ra tình huống về hai phong cách lãnh đạo khác nhau nhưng cần bổ sung cho nhau nếu muốn có một phong cách hoàn thiện và đưa ra yêu cầu học viên hãy vận dụng lý luận để đánh giá,nhận xét hoặc thảo luận bài 3 kỹ năng ra quyết định và tổ chức thực hiện quyết định nên đưa ra một tình huống về quá trình ra quyết định và tổ chức thực hiện quyết định và đưa ra yêu cầu học viên hãy vận dụng lý luận gồm quy trình và kỹ năng ra quyết định và tổ chức thực hiện quyết định lãnh đạo, quản lý để đánh giá, nhận xét quá trình ra quyết định và tổ chức thực hiện quyết định của người cán bộ lãnh đạo, quản lý trong tình huống … Có bài đưa ra tình huống và yêu cầu học viên vận dụng lý luận để góp phần xử lý tình huống để từ đó giúp học viên vận dụng được lý luận vào thực tiễn, rèn luyện được các kỹ năng như thảo luận nội dung bài 4 đưa ra một bài tập tình huống có sử dụng phương pháp tuyên truyền, thuyết phục và yêu cầu học viên vận dụng lý luận để thực hiện phương pháp tuyên truyền, giáo dục hoặc thảo luận nội dung bài 5 đưa ra một tình huống về tổ chức thu thập thông tin và yêu cầu học viên vận dụng lý luận thu thập thông tin để tổ chức thu thập thông tin hoặc có thể đưa ra một tình huống về giải quyết đơn thư khiếu nại và yêu cầu học viên vận dụng lý luận về thu thập và xử lý thông tin để góp phần giải quyết đơn khiếu nại trong tình huống hoặc thảo luận nội dung bài 6 nghiên cứu đưa ra tình huống về một điểm nóng xã hội xảy ra trên địa bàn tỉnh và yêu cầu học viên vận dụng quy trình để xử lý…Có bài yêu cầu học viên vận dụng lý luận để đánh giá thực trạng địa phương, đơn vị với những mặt đạt được, những mặt còn chưa làm được so với lý thuyết để từ đó giúp học viên trong công tác tham mưu cho lãnh đạo, quản lý hoặc trong công tác lãnh đạo, quản lý của bản thân có những giải pháp thực hiện hoạt động lãnh đạo, quản lý tốt hơn như thảo luận nội dung bài 1 ở vai trò, nội dung của hoạt động lãnh đạo, quản lý yêu cầu học viên liên hệ đến thực trạng hoạt động lãnh đạo, quản lý ở cơ quan, đơn vị có phát huy được các vai trò như lý thuyết không và phát huy ở mức độ nào và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ quan, địa phương đã thực hiện nội dung của hoạt động lãnh đạo, quản lý như thế nào hoặc thảo luận nội dung bài 7 kỹ năng, đánh giá và sử dụng cán bộ ở cơ sở đưa ra yêu cầu học viên cần so sánh giữa lý luận về đánh giá và sử dụng cán bộ để đánh giá thực trạng của công tác đó ở địa phương, đơn vị… Có bài yêu cầu học viên cho ví dụ cụ thể ở địa phương, đơn vị đã thực hiện theo quy trình và kỹ năng như đã được trình bày trong lý thuyết…
Thứ hai trong quá trình chuẩn bị giáo án bên cạnh chẩn bị nội dung, giảng viên nên chú trọng đến chuẩn bị kịch bản buổi thảo luận với các phương pháp phù hợp với nội dung và nên có sự thay đổi, kết hợp với các phương pháp mới. Với đặc thù của Học phần V.1 là giảng dạy một số kỹ năng thì phương pháp thảo luận chủ yếu nên sử dụng là phương pháp tình huống, phương pháp thảo luận nhóm, phương pháp hỏi - đáp. Bên cạnh đó giảng viên có thể sử dụng các phương pháp khác như phương pháp hỏi chuyên gia, phương pháp trực quan (sử dụng các công cụ hỗ trợ thông qua giáo án điện tử), phương pháp đóng vai, phương pháp trắc nghiệm đúng sai…
Thứ ba, trong quá trình thảo luận trên lớp, giảng viên chú trọng đến việc tổ chức lớp học và bao quát lớp trong quá trình học viên thực hành các phương pháp đặc biệt là làm việc nhóm, giải quyết tình huống để tránh tình trạng chỉ có một vài học viên tích cực trong lớp làm việc và phát biểu ý kiến cũng chỉ tập trung ở một số học viên.
Tóm lại, thảo luận trong Học phần V.1 có vai trò rất quan trọng trong việc giúp học viên thực hành một số kỹ năng trong lãnh đạo, quản lý và hiệu quả của mỗi buổi thảo luận phụ thuộc rất lớn vào trình độ chuyên môn và phương thức tổ chức thảo luận của giảng viên. Vì vậy để đổi mới phương thức tổ chức thảo luận, mỗi giảng viên và giảng viên kiêm chức khoa Dân vận cần đổi mới không chỉ cách thức tổ chức và phương pháp thảo luận trên lớp mà cần đổi mới trong khâu soạn giáo án thảo luận với việc xây dựng kế hoạch tổ chức buổi thảo luận một cách khoa học, phù hợp với nội dung bài giảng.
Người viết: Trần Thị Thu Hường
Khoa : Dân vận