NHẬN THỨC MỚI CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ HƯỚNG ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC VÀ Ý NGHĨA ĐỐI VỚI MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, đất nước ta chìm đắm trong đêm dài nô lệ, Nhân dân sống trong cảnh cơ cực lầm than. Nhiều phong trào yêu nước diễn ra mạnh mẽ, tuy nhiên đều lần lượt thất bại, cách mạng Việt Nam lâm vào khủng hoảng về đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc. Nguyễn Tất Thành đã chứng kiến nổi đau tột cùng của đất nước, chứng kiến sự bế tắc của các bậc tiền bối trong việc tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ”[1].
Sau nhiều trăn trở, ngày 05/6/1911, Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Mang trong mình hành trang là chủ nghĩa yêu nước, nhưng ở Người vừa là sự kế thừa chủ nghĩa yêu nước truyền thống, vừa bao hàm một tinh thần đổi mới phù hợp với yêu cầu giải phóng dân tộc và xu thế của thời đại. Trước Nguyễn Tất Thành đã có rất nhiều người Việt Nam xuất dương tìm đường cứu nước nhưng những chuyến đi đó chủ yếu là để tìm ngoại viện cho nên dù Người: “Rất khâm phục các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu, nhưng không hoàn toàn tán thành cách làm của một người nào. Vì:
Cụ Phan Châu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương... Điều đó là sai lầm, chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương.
Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp. Điều đó rất nguy hiểm, chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”.
Cụ Hoàng Hoa Thám còn thực tế hơn, vì trực tiếp đấu tranh chống Pháp. Nhưng theo lời người ta kể thì Cụ còn nặng cốt cách phong kiến…”[2].
Qua những suy nghĩ của Nguyễn Tất Thành, chúng ta thấy được sự trân trọng, yêu quý của Người đối với các bậc tiền bối yêu nước, xem đó là những tấm gương cần phải học tập; vừa có tinh thần phê phán, biết rõ những điều không phù hợp với cuộc đấu tranh giành độc lập và không đi theo con đường cũ.
Trong khi các bậc tiền bối tìm đến phương Đông với sự ngưỡng mộ “người anh cả da vàng” Nhật Bản, coi thuyết “đồng văn, đồng chủng” và mô hình đế quốc Nhật ở châu Á như một thần tượng mới thì Người lại không hướng về phương Đông truyền thống, Người quyết định sang Pháp, nơi sinh ra chủ nghĩa thực dân, quê hương của cuộc cách mạng tư sản Pháp, để tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau khẩu hiệu “Tự do-Bình đẳng-Bác ái”. Quyết định đi sang các nước phương Tây mà đầu tiên là nước Pháp của Nguyễn Tất Thành là sự lựa chọn đúng đắn, thể hiện một tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo và tầm nhìn mới về hướng đi và con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam.
Trước khi ra đi tìm đường cứu nước, Người xác định rất rõ mục đích hoàn toàn khác so với các bậc tiền bối: “Tôi muốn đi ra ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”[3]. Mang chung hành trang đó là chủ nghĩa yêu nước - nhân văn Việt Nam để ra đi tìm đường cứu nước nhưng với các bậc tiền bối là ra nước ngoài tìm, học cái mới mà dân tộc chưa có, xem đó là chỗ dựa, cứu cánh và chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận, đưa cái mới mà dân tộc chưa có nhưng không biết nó đã bắt đầu lỗi thời so với sự phát triển của lịch sử nhân loại. Vì vậy, những cố gắng cao nhất của hai Cụ Phan cũng chỉ làm bùng phát một phong trào dân tộc, nuôi dưỡng ngọn lửa yêu nước trong Nhân dân, bởi những cái được cho là chưa có và được xem là mới đối với dân tộc mà hai Cụ đưa về đã bị lịch sử nhân loại và chính phong trào cách mạng dân tộc vượt qua.
Trong khi đó, Nguyễn Tất Thành lại muốn đến tận nơi để tìm hiểu giá trị thật của cái mới và cái ẩn giấu sau nó, bằng sự khảo sát trực tiếp, sự phân tích, so sánh giữa lý thuyết và kết quả thực tế của các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới để lựa chọn nhằm tiếp nhận những giá trị chung và mới của nhân loại để tìm ra con đường cứu nước, cứu dân thích hợp với hoàn cảnh cụ thể của nước nhà và tương thích với sự vận động, xu thế phát triển mới trong quá trình tiến hóa của loài người. Chính vì vậy, bằng lao động và hòa mình vào dòng chảy của các sự kiện thế giới, Nguyễn Tất Thành với hơn 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước và trong hành đó Người không chỉ là biết đến thế giới mà chính là quá trình học tập, khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm thấu hiểu để chọn lọc và tiếp thu những giá trị văn hóa, văn minh của nhân loại. Qua thực tiễn đấu tranh cách mạng ở nhiều nước trên thế giới đã nâng cao trí tuệ, làm giàu văn hóa và mở rộng thế giới quan cho Người từ tầm dân tộc đến nhân loại. Đó là cơ sở giúp Người thấy được nguồn gốc trực tiếp nỗi đau chung của các dân tộc thuộc địa và những người lao động, không phân biệt chủng tộc, màu da trên hành tinh này. Từ những nhận thức mới, từ sự lựa chọn hướng đi mới - hướng đi đúng đắn là tiền đề giúp Người đã tìm ra con đường cứu nước, giải phóng cho dân tộc Việt Nam.
Ngày nay, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và những tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, tất cả các quốc gia vừa có cơ hội thụ hưởng những thành quả đó vừa có trách nhiệm tham gia vào quá trình toàn cầu hóa để góp phần thúc đẩy sự tiến bộ, văn minh của nhân loại. Sự hội nhập quốc tế của đất nước cũng là sự tiếp tục của quá trình dân tộc ta đi ra thế giới trong điều kiện lịch sử mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh để tiếp thu các giá trị văn hóa -văn minh nhân loại và nắm bắt xu thế phát triển của loài người mà còn vận dụng và xây dựng đất nước ngày càng phát triển vững chắc, đảm bảo mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước để lại cho mỗi người dân Việt Nam, mỗi cán bộ, đảng viên những bài học quý trong quá trình tiếp thu những giá trị của văn minh nhân loại để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đem lại ấm no, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân. Người là tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước, tinh thần sẵn sàng xả thân, hy sinh vì đất nước, là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam học tập noi theo. Đó còn là bài học về nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam đối với quê hương, đất nước, tinh thần học tập sáng tạo, độc lập, tự chủ, tận trung với nước, tận hiếu với dân mà bác Hồ là tấm gương tiêu biểu.
Trong bối cảnh tình hình thế giới tiềm ẩn những vấn đề phức tạp khó lường, đó là chiến tranh, dịch bệnh, đói nghèo, phân biệt chủng tộc…Trong nước, vấn đề Biển Đông ngày càng gia tăng những căng thẳng, các thế lực thù địch không ngừng thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”; một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, lợi ích nhóm. Trước tình hình đó đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng nỗ lực, phấn đấu, học tập theo tấm gương của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tiếp thu những giá trị mới của nhân loại, sáng tạo trong công tác, mềm dẻo linh hoạt trong quan hệ đối nội đối ngoại; không ngừng đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống lại những hành động xuyên tạc ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, đến quyền lợi quốc gia, dân tộc thực hiện tốt Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải học tập và rèn luyện theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về ý chí, nghị lực trong cuộc sống để vượt qua khó khăn, thử thách, xác định đúng mục đích và đưa ra quyết định đúng đắn nhằm thực hiện tốt mọi nhiệm vụ chính trị. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, phải thường xuyên tổng kết thực tiễn, rút nghiệm để đưa ra những giải pháp đúng đắn phù hợp với thực tiễn nhằm xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, giàu mạnh.
Hôm nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh dù đã đi xa nhưng những nhận thức mới, những sáng tạo trong quá trình lựa chọn hướng đi tìm đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam của Người vẫn luôn là ngọn đuốc soi đường cho mỗi cán bộ, đảng viên cũng như mọi người dân Việt Nam trong quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Để tiếp tục lan tỏa những giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như những nhận thức mới về hướng đi tìm đường cứu nước của Người, mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tiếp tục thực hiện theo Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Qua đó mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng rèn luyện các phẩm chất đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và nỗ lực phấn đấu hết mình vì sự nghiệp độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, vì ấm no, tự do, hạnh phúc của Nhân dân.
[1] Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.1, tr.266.
[2] Trần Dân Tiên: Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1994, tr.12.
[3] Trần Dân Tiên: Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1994, tr.13.
Người viết: Bùi Thị Hương
Đơn vị: Khoa Lý luận cơ sở
[1] Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.1, tr.266.