VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG TÁC PHẨM “ĐỜI SỐNG MỚI” GẮN VỚI XÂY DỰNG VĂN HÓA CÔNG SỞ TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH NINH THUẬN
Tóm tắt: Ra đời cách đây 75 năm nhưng “Đời sống mới” vẫn là tác phẩm mang tính thời sự nóng hổi, vẹn nguyên những giá trị lý luận và thực tiễn trong công cuộc đổi mới đất nước ở nước ta hiện nay. Việc vận dụng những giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm vào xây dựng văn hóa công sở tại Trường Chính trị Ninh Thuận là rất cần thiết, phù hợp nhằm hướng tới xây dựng văn hóa Trường Đảng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới.
Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền non trẻ đứng trước muôn vàn những khó khăn. Một trong những vấn đề có ý nghĩa quan trọng lúc này chính là cải thiện đời sống của nhân dân, cần phải thay đổi, xóa bỏ những lề lối, nếp sống cổ hủ, lạc hậu. Đảng ta chủ trương phát động phong trào “Xây dựng đời sống mới”. Ngày 03/4/1946, Ủy ban vận động đời sống mới Trung ương được thành lập. Một năm sau, Bác về thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Bác bắt tay viết tác phẩm Đời sống mới với bút danh Tân Sinh. Ngày 20/3/1947, Người đã công bố tác phẩm này để chỉ đạo và động viên phong trào toàn dân xây dựng đời sống mới. Mở đầu tác phẩm, Người nêu rõ nhiệm vụ cần thiết trong lúc kháng chiến kiến quốc là phải thực hành đời sống mới. Mục đích của đời sống mới là làm cho đời sống của nhân dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, ấm no hơn, tinh thần được vui vẻ, khỏe mạnh hơn, để đời sống toàn thể đồng bào ta có thể phong lưu, dồi dào và xây dựng một nước Việt Nam phú cường.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ việc thực hành đời sống mới là nhiệm vụ của mọi ngành, mọi giới và mọi người:“… thực hành đời sống mới là Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Quân đội phải siêng tập, siêng đánh. Nhân dân tăng gia sản xuất, phải siêng làm, thì kháng chiến chắc chắn thắng lợi, thế cho nên phải Cần. Binh sĩ phải tiết kiệm đạn dược, mỗi viên đạn một tên thù. Nhân dân phải tiết kiệm vật liệu, mới giúp được bộ đội và đồng bào tản cư. Thế cho nên phải Kiệm. Mọi người đều trong sạch, không tham lam, không đem của công dùng vào việc tư, thì mọi việc mới chạy. Cho nên ai cũng phải Liêm. Mỗi người quốc dân đều phải vì nước quên nhà, hăng hái ủng hộ kháng chiến, ra sức tăng gia sản xuất, trừ diệt bọn bán nước hại dân quyết làm cho Tổ quốc thống nhất độc lập. Thế là Chính”[1]. Cần, kiệm, liêm, chính như cách trình bày của Người trong tác phẩm không phải xa lạ, không khó khăn. Nếu mỗi người đều cố gắng sẽ thực hiện được một cách hiệu quả. Nói về đạo đức mới, Người giải thích rằng không phải là gạt bỏ mọi cái cũ mà phải phát huy những tinh hoa về truyền thống yêu nước, cần cù lao động, đoàn kết chống giặc ngoại xâm, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách... “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ. Thí dụ: Ta phải bỏ hết tính lười biếng, tham lam. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm. Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn. Đó là mục đích của đời sống mới…”[2]. Về cách thức thực hiện đời sống mới, Người cho rằng, tiến hành đời sống mới “không phải cao xa gì, cũng không phải khó khăn gì. Nó không bảo ai phải hy sinh chút gì. Nó chỉ sửa đổi những việc rất cần thiết, rất phổ thông, trong đời sống của mọi người, tức là sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc. Sửa đổi được những điều đó, thì mọi người đều được hưởng hạnh phúc. Mà chắc sửa đổi được, vì nó không có gì là gay go, khó làm”[3]. Đời sống mới bao gồm đời sống mới riêng cho từng người và đời sống mới chung cho cộng đồng, tập thể như các gia đình, làng xã, bộ đội, các nhà máy, trường học, công sở,...
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Đời sống mới” không chỉ có giá trị to lớn trong việc xây dựng con người, xã hội Việt Nam mới, góp phần kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, mà còn có ý nghĩa thời sự đối với sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ngày nay,góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về “Đời sống mới” trong giai đoạn hiện nay, lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược. Văn kiện Đại hội đã nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất"[4]. Thực tế qua 35 năm đổi mới, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống của Nhân dân. Trong đó phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa” được phát động và triển khai thực hiện rộng khắp, góp phần to lớn trong việc nâng cao đời sống văn hóa cho các tầng lớp Nhân dân.
Thời gian qua,Trường Chính trị tỉnh Ninh Thuận đã tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở" do Thủ tướng Chính phủ phát động, Quyết định số 5029/QĐ-HVCTQG ngày 26/10/2017 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh quy định về ứng xử văn hóa của Học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Kế hoạch số 466-KH/HVCTQG, ngày 17/9/2019 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về triển khai thực hiện phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025, hướng tới thực hiện Quy định số 11 về Trường Chính trị chuẩn bằng các kế hoạch phát động phong trào thi đua, chương trình hành động gắn với thực hiện nhiệm vụ được giao thiết thực, cụ thể nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức và hành động; tự tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao ý thức, đạo đức công vụ, đạo đức nghề giáo của cán bộ, viên chức và người lao động trong Trường, đồng thời đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua những việc làm cụ thể hằng ngày, tạo môi trường làm việc kỷ cương, văn minh, hiện đại, chuyên nghiệp, trách nhiệm và hiệu quả. Qua đó, đã góp phần xây dựng văn hóa Trường Đảng tại Trường Chính trị tỉnh Ninh Thuận, với một số kết quả trong việc thực hiện văn hóa công sở tại Trường Chính trị tỉnh đã có những thay đổi theo hướng tích cực, hằng năm Trường luôn được đánh giá là cơ quan văn hóa, an toàn, cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Các đơn vị phòng, khoa được bài trí theo hướng trang trọng, lịch sự phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu của giảng viên và học viên. 100% đội ngũ cán bộ, giảng viên và người lao động cơ bản có thái độ nghiêm túc, lịch sự, đúng mực khi tiếp đón, trao đổi công việc với học viên thể hiện phong cách mẫu mực của người giảng viên Trường Đảng trên giảng đường và trong cuộc sống, đã xây dựng hòm thư góp ý đặt tại các hội trường nhằm phát huy tính khách quan, năng động, chủ động của học viện khi góp ý xây dựng Trường. Ngoài ra, đội ngũ viên chức và người lao động còn tích cực rèn luyện và gương mẫu chấp hành nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương hành chính, nhất là kỷ luật phát ngôn, có ý thức tổ chức và sắp xếp, sử dụng thời gian làm việc khoa học và hiệu quả, chú trọng công tác tham mưu trong xây dựng kế hoạch mở lớp đào tạo, bồi dưỡng hằng năm, phối hợp với các Sở, ban, ngành chủ động tham mưu mở các lớp phù hợp với điều kiện thực tế, nhất là trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, Trường đã linh hoạt tham mưu chuyển đổi hình thức giảng dạy từ trực tiếp sang trực tuyến, công tác khai giảng, bế giảng các lớp được thực hiện nghiêm túc, trang nghiêm, đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 được Tỉnh ủy đánh giá cao. Đội ngũ viên chức và người lao động Trường có ý thức xây dựng, giữ gìn đoàn kết nội bộ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh, thực hiện cần, kiệm, liêm chính, chí công công vô tư, trung thực, giản dị, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, nhất trí cao trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiều năm liền Đảng bộ Trường đạt Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Trường được nhận Cờ thi đua, Bằng khen của Học viện Chính trị quốc gia, Bộ Nội vụ, Bộ Công an, UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Nổi bật có 01 cá nhân được Chủ Tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; 02 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số cán bộ, viên chức và người lao động mặc dù đã được học tập, nghiên cứu, quán triệt về nội quy, quy chế của Học viện, Trường nhưng vẫn chưa có nhận thức đầy đủ về thực hiện văn hóa công sở, đôi lúc vẫn có hiện tượng chưa chấp hành nghiêm giờ giấc làm việc, kỷ luật hội họp, to tiếng trong giải quyết công việc, chất lượng giải quyết công việc đôi lúc chưa cao, kỹ năng giao tiếp và ứng xử chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa triệt để…
Đề tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong xây dựng văn hóa công sở và khắc phục một số những hạn chế, tồn tại, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường trong công tác xây dựng và thực hiện phong trào thi đua thực hiện về văn hóa công sở, nhất là gắn với nội dung cốt lõi trong tác phẩm “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với thực hiện nhiệm vụ chính trị hằng năm.
Thứ hai, chú trọng công tác chính trị, tư tưởng trong toàn Đảng bộ Trường, thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng, xây dựng khối đoàn kết nhất trí, trên cơ sở tự phê bình và phê bình thẳng thắn, trung thực, thông qua việc thường xuyên bồi dưỡng, giáo dục Chủ nghĩa Mác-Lênin gắn với Chỉ thị 05, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhằm giúp cho đội ngũ viên chức và người lao động thấm nhuần tư tưởng, giữ vững lập trường, củng cố niềm tin, kiên định trước những diễn biến của tình hình mới.
Thứ ba, đẩy mạnh việc tuyên truyền về văn hóa công sở cho đội ngũ viên chức và người lao động trong toàn cơ quan nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm tạo chuyển biến mạnh mẽ cho viên chức, người lao động về tinh thần, thái độ làm việc, các chuẩn mực giao tiếp, ứng xử, đạo đức, lối sống, xây dựng môi trường văn hóa… nhằm tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có kỷ cương, trách nhiệm, tận tụy, chuyên nghiệp hướng tới Trường Chính trị mức độ 1 trong những năm tới.
Thứ tư, phát huy tính tiền phong, gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động của mỗi cán bộ, đảng viên, liên hệ chặt chẽ với quần chúng, đặc biệt vai trò của người đứng đầu cấp ủy, các đơn vị phòng, khoa. Phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo của đội ngũ viên chức trong công tác tham mưu các kế hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả mô hình: “Mỗi viên chức Trường Chính trị là tấm gương sáng cho học viên noi theo” nhằm thiết thực xây dựng văn hóa trường Đảng. Xây dựng mạng lưới công nghệ thông tin nội bộ nhanh, gọn, thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, thực hành tiết kiệm văn phòng phẩm, giảm hội họp, tăng năng suất công việc, quản lý bằng sản phẩm.
Thứ năm, xây dựng, ban hành, phát động và tổ chức tốt các phong trào thi đua do Học viện tổ chức như “Đoàn kết-Kỷ cương-Gương mẫu-Sáng tạo-Hiệu quả” và phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thi đua thực hiện văn hóa công sở” gắn với thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, hoạt động khoa học, nghiên cứu thực tế và thao giảng, dự giờ hằng năm.
Thứ sáu, thực hiện nghiêm chế độ thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện văn hóa công sở theo chương trình, kế hoạch hằng năm. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những viên chức và người lao động gương mẫu, xuất sắc trong thực hiện văn hóa công sở. Phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp chưa chấp hành nghiêm các quy định về văn hóa công sở. Đồng thời, chú trọng xây dựng bộ tiêu chí quy định về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp gắn với thực hiện văn hóa công sở ở cơ quan, đơn vị, có thể coi đây là tiêu chí đánh giá phân loại cán bộ, viên chức hằng năm.
Có thể nói, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Đời sống mới” có giá trị lý luận và giá trị thực tiễn trong giai đoạn hiện nay khi văn hóa là nền tảng tinh thần, “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, mặc dù 75 năm đã trôi qua nhưng vẫn mang tính thời sự không chỉ trong xây dựng đời sống văn hóa nói chung mà trong xây dựng văn hóa công sở ở hệ thống Trường Chính trị nói riêng, trong đó có Trường Chính trị tỉnh NinhThuận, nhằm hướng tới xây dựng văn hóa Trường Đảng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 112.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 113.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 112.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQGST 2021, tập 1, tr.34