MỘT SỐ GIẢI PHÁP VẬN ĐỘNG PHỤ NỮ THAM GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ, GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG Ở MỘT SỐ XÃ THUỘC HUYỆN BÁC ÁI, TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN 2017-2021

Bác Ái là một trong 62 huyện nghèo trong cả nước và là một huyện miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Ninh Thuận,dân số toàn huyện có 28.990 người, chủ yếu là dân tộc Raglai, trong đó nữ chiếm 49%. Trong 5 năm qua, các tầng lớp phụ nữ trong huyện đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Thời gian qua, công tác vận động phụ nữ tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn huyện luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể đặc biệt quan tâm. Cùng với các cơ quan, ban ngành trên địa bàn huyện, Hội Phụ nữ luôn xác định rõ trách nhiệm, vai trò nòng cốt trong công tác vận động phụ nữ, qua đó chủ động bám sát địa bàn, làm tốt công tác vận động, nhất là đối với phụ nữ là người dân tộc thiểu số.

Phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng trên quê hương Bác Ái, sự quan tâm ưu ái của các cấp ủy Đảng, Chính quyền; các tầng lớp phụ nữ đã phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo trong lao động sản xuất, công tác, cần kiệm trong đời sống, phong trào phụ nữ được phát triển rộng khắp, đa dạng hóa các hình thức vận động, thu hút đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia; số tổ chức hội không ngừng lớn mạnh 9 cơ sở trực thuộc với 39 tổ chức hội, có 6.017 hội viên, chiếm tỷ lệ 84,60% phụ nữ trong độ tuổi, trong đó nữ chiếm trên 55% dân số, nữ trong độ tuổi lao động chiếm trên 52% lực lượng lao động. Vai trò và vị thế của phụ nữ trong xã hội ngày càng khẳng định, tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng, Chính quyền ngày càng cao; tinh thần làm chủ trong gia đình và xã hội, tính tự tin ngày càng tốt hơn; các cấp Hội phụ nữ thật sự là chỗ dựa tin cậy của các tầng lớp phụ nữ trong huyện để phấn đấu vươn lên trong công tác và trong cuộc sống. Thực hiện có hiệu quả các nội dung của phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập,lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cuộc vận động xây dựng gia đình“5 không 3 sạch”, cuộc vận động phụ nữ rèn luyện phẩm chất đạo đức “Tự tin, Tự trọng, Trung hậu, Đảm đang”; phong trào “Xây dựng nông thôn mới” và các phong trào thi đua của địa phương phù hợp với yêu cầu, điều kiện thực tế và từng đối tượng phụ nữ. Bên cạnh đó, sự nỗ lực tích cực học tập, lao động của cán bộ, hội viên, phụ nữ đã đưa phong trào ngày càng ổn định và phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ được cải thiện, một số phụ nữ được tạo cơ hội để học tập, nâng cao nhận thức, trình độ trên các lĩnh vực như: văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững và các chính sách xã hội khác, góp phần xây dựng gia đình no ấm,bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, tình hình phụ nữ và công tác vận động phụ nữ vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập trước yêu cầu mới đặt ra: điều kiện và việc làm cho lao động nữ thiếu ổn định, phụ nữ cao tuổi và có hoàn cảnh khó khăn chưa được quan tâm đúng mức, tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý còn thấp ở các ngành, các cấp; nhận thức về bình đẳng giới chưa cao, phụ nữ vẫn chịu nhiều sức ép giữa công việc gia đình với trách nhiệm xã hội và nhu cầu học tập, nâng cao trình độ, nhất là với vai trò truyền thống là chủ gia đình. Một số tác động khác như tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao, mức sống, tiếp cận các dịch vụ chưa nhiều, đời sống của chị em gặp nhiều khó khăn, thời tiết không thuận lợi để canh tác những cây hoa màu, đất đai cằn cỗi, xa khu dân cư sinh sống, chưa có nhiều mô hình hay, cách làm tốt để chị em học hỏi, chưa có các lớp tập huấn, hội thảo chuyên sâu về cách dạy trồng trọt và chăn nuôi; Cán bộ chuyên trách chưa được đào tạo bài bản, việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của hội viên phụ nữ ở một số địa phương cơ sở còn chưa kịp thời,một phần do địa bàn rộng gây khó khăn trong việc tiếp xúc trực tiếp, thực hiện các hình thức vận động còn mang tính hình thức, chậm đổi mới…

Để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, khó khăn trong công tác vận động phụ nữ tham gia phát triển kinh tế,giảm nghèo bền vững, đạt được mục tiêu và phương hướng đề ra, các xã cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp cơ bản sau đây:

Thứ nhất, Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự phối kết hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị nhất là phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức Hội LHPN trong công tác vận động phụ nữ.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng với công tác phụ nữ nói chung và công tác vận động phụ nữ tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững nói riêng bằng các Nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch... cụ thể, sát hợp với từng vùng, từng đối tượng được thụ hưởng. Với chính quyền cơ sở, cần tranh thủ sự hợp tác, ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong vay vốn phát triển kinh tế, chuyển giao khoa học công nghệ; chủ động đề xuất tăng mức kinh phí ngân sách, tranh thủ có hiệu quả việc đầu tư của chính quyền về vật chất, phương tiện phục vụ cho hoạt động,công tác, phong trào chung của địa phương và của Hội LHPN hằng năm.

Với MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội cần có chương trình phối hợp tốt trong việc thực hiện Nghị quyết của cấp ủy Đảng cơ sở về các chương trình, kế hoạch, về phong trào công tác hội,chú trọng đến phong trào đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương và kinh tế gia đình. Triển khai và thực hiện tốt các phong trào do MTTQ, các ngành và đoàn thể khác phát động như: Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; phong trào giữ gìn an ninh tổ quốc; phong trào phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; phong trào phụ nữ đảm bảo an toàn giao thông vì hạnh phúc của mỗi gia đình; phát triển kinh tế gắn với nông thôn mới; phong trào bảo vệ môi trường... Cần phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở có năng lực, tâm huyết với địa phương, với bà con, phải gần dân, sát dân, có kỹ năng vận động, thuyết phục, thường xuyên thăm hỏi, động viên họ lao động sản xuất, chú ý đến vai trò của các thành viên trong gia đình, có ý chí quyết tâm thoát nghèo và đề xuất với chính quyền tạo điều kiện cho họ về vốn, cơ chế hỗ trợ, sau đó nhân rộng ra trong phạm vi thôn,xã. Có chính sách khuyến khích, biểu dương, nêu gương điển hình thi đua khen thưởng kịp thời những hộ gia đình thoát nghèo, nhất là những hộ do phụ nữ làm chủ.

Thứ hai, Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức, trình độ và nhận thức cho phụ nữ.

Thực tế trong thời gian vừa qua cho thấy, một trong những hạn chế trong công tác vận động phụ nữ tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững của hệ thống chính trị một số xã trên địa bàn huyện Bác Ái xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ, chưa sâu sắc về vị trí, vai trò của phụ nữ và công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ cũng như hoạt động của Hội LHPN ở cơ sở.Do đó, vấn đề đầu tiên quan trọng hiện nay là các cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân và đặc biệt là người dân ở cơ sở phải được quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng ta về vị trí người phụ nữ và tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng hoạt động của Hội LHPN cơ sở.

Các cấp uỷ đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân cần nhận thức, đánh giá một cách khách quan, khoa học, toàn diện về phụ nữ, về vai trò quan trọng của phụ nữ đối với sự nghiệp cách mạng của địa phương, cơ sở nói riêng, nước nhà nói chung. Cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia phát triển kinh tế,giảm nghèo bền vững. Ngoài việc phát qua các loa đài, có thể tổ chức các chương trình văn nghệ, thể dục thể thao, thu hút sự tham gia của phụ nữ qua đó lồng ghép nội dung tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình hạnh phúc,những chính sách của Đảng, Nhà nước có liên quan tới phụ nữ. Ở những vùng có đa số đồng bào dân tộc thì cần dịch nội dung tuyên truyền bằng tiếng dân tộc để phát thanh hoặc đọc cho bà con nghe. Sân khấu hóa các nội dung tuyên truyền để dễ đi vào lòng người, dễ nhớ, dễ hiểu, khuyến khích, động viên phụ nữ tham gia các hoạt động xã hội khác nhằm nâng cao năng lực nhận thức cho phụ nữ và cộng đồng;ngoài ra nên sử dụng phương pháp nêu gương trong công tác tuyên truyền. Phát hiện, bồi dưỡng những gương phụ nữ vươn lên thoát nghèo bằng cách nghĩ, cách làm hay, mô hình hiệu quả để nhân rộng, giới thiệu tới các địa phương khác trong huyện, nhất là tinh thần tự vươn lên, tính tự giác. Nội dung tuyên truyền những vấn đề về liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích của phụ nữ, về bình đẳng giới. Bằng cách xây dựng các chương trình hành động thiết thực và tổ chức thực hiện có hiệu quả; nhất là bản thân người phụ nữ cũng cần nâng cao nhận thức của chính bản thân về vai trò, vị trí người phụ nữ bằng những hoạt động thiết thực như: tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn, các buổi tuyên truyền, tham gia các chương trình, buổi sinh hoạt... do chính quyền tổ chức và hoạt động Hội LHPN, không ngừng khẳng định vai trò của mình, nâng cao vị thế của bản thân bằng việc không ngừng học tập, lao động tích lũy kinh nghiệm, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng.

Thứ ba, Tăng cường hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng và tham gia bảo vệ môi trường.

 Tiếp tục củng cố, duy trì các mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, các loại hình hiệu quả tại các địa phương trên địa bàn huyện như:vận động chồng, con và người thân không vi phạm pháp luật; câu lạc bộ phụ nữ không hút thuốc lá, không tảo hôn, mô hình trồng rau sạch, nuôi bò rẻ; mô hình trồng chuối, mít... phát triển các loại cây, con là thế mạnh của mỗi địa phương trên địa bàn huyện; Đầu tư khoa học kỹ thuật, quy hoạch các vùng chuyên canh phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Tập trung cải tạo giống cây trồng, vật nuôi, phối hợp với trung tâm nghiên cứu cây bông Nha Hố để tìm kiếm các giống có năng suất, chất lượng và giá trị cao, kết hợp với ứng dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn thực nghiệm trên đồng ruộng để tìm kiếm những giống có hiệu quả cao nhất. Ứng dụng máy móc trong tất cả các khâu: sản xuất, thu hoạch, bảo quản, sơ chế biến, bao tiêu sản phẩm… Đồng thời,các địa phương kiến nghị với các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường các chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh phí, trợ giá, ưu đãi tín dụng, miễn giảm thuế... cho các gia đình do phụ nữ làm chủ hộ là hộ nghèo, hộ cận nghèo; Hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Mục tiêu là giúp người nghèo, đặc biệt là phụ nữ có nghề, việc làm ổn định, tạo lập cuộc sống, trong đó tập trung hỗ trợ dạy nghề cho người lao động nhằm bồi dưỡng kiến thức, ngành nghề gắn với nhu cầu phát triển sản xuất của người nghèo,phong tục, tập quán của phụ nữ đồng là Raglai. Tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng các loại hình hoạt động tín dụng giúp phụ nữ xoá đói giảm nghèo hiệu quả, bền vững. Duy trì phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, xây dựng quỹ và làm nhà “Mái ấm tình thương”, cuộc vận động “Giúp phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” trong cán bộ, hội viên và phụ nữ. Tích cực triển khai có hiệu quả đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm”. Tiếp tục triển khai và nhân rộng các mô hình có hiệu quả như mô hình trồng rau sạch, nuôi bò rẻ; nhóm buôn bán nhỏ, nhóm tiết kiệm tại chi hội, không sinh con thứ 3, không hút thuốc lá, sọt rác gia đình... Tập huấn chuyển giao KHKT, công tác khuyến nông để người nghèo áp dụng sản xuất kinh doanh, giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nâng cao kiến thức, kỹ năng trong việc ứng dụng KHKT trong chăn nuôi... kết hợp tận dụng tối đa diện tích đất đai hiện có đê trồng trọt, chăn nuôi cải thiện sinh kế, thu nhập ổn định. Đặc biệt là tạo điều kiện cho phụ nữ Raglai tham gia vào các lớp tập huấn, bồi dưỡng này. Có như vậy, phụ nữ trên địa bàn huyện Bác Ái,đặc biệt là phụ nữ Raglai có thể làm chủ kinh tế gia đình, giúp cải thiện sinh kế và giảm nghèo bền vững. Có chính sách di dân phù hợp, bởi lẽ di dân là yếu tố quan trọng làm tăng vốn con người và góp phần giảm nghèo bền vững, trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta cũng quan tâm tới vấn đề này trên địa bàn huyện Bác Ái có những khu tái định cư như ở xã Phước Thắng, Phước Bình... tuy nhiên vấn đề này chưa được bà con nhân dân nơi đây hiểu rõ, do đó các cấp chính quyền cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, có những mô hình hay khuyến khích bà con nhân dân sống và lao động. Cho nên trong bối cảnh phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững như hiện nay cần có những chính sách thúc đẩy di dân (người địa phương đến những nơi khác hoặc người từ nơi khác đến địa phương), nhất là đối với phụ nữ trên địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, để họ có cơ hội va chạm và tiếp xúc với xã hội nhiều hơn, góp phần hình thành kinh nghiệm, kỹ năng cho bản thân họ.

Thứ tư, Nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến của phụ nữ trong việc tự vươn lên thoát nghèo.

 Trong quá trình thực hiện vận động phụ nữ tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Bác Ái, hệ thống chính trị ở các xã đã xuất hiện nhiều mô hình hay giúp phát triển sản xuất, nâng cao trình độ, thu nhập, đời sống của phụ nữ giúp công tác vận động có hiệu quả như: mô hình nhóm buôn bán nhỏ, nhóm tuyến đường sạch nông thôn,nuôi bò rẻ có bảo hành.. ở xã Phước Thắng; mô hình không có con em dưới 18 tuổi tảo hôn, nhóm trồng rau sạch, chăn nuôi heo… ở xã Phước Tiến; mô hình sản xuất cây ăn trái cho giá trị cao như bưởi, sầu riêng, mít; nhóm chị em không hút thuốc lá ở xã Phước Bình, chi Hội thôn Ha Lá Hạ xã Phước Thắng mua máy tuốt lúa phục vụ sản xuất, số tiền thu được trên 4 triệu đồng. Tổ đan lát tại xã Phước Thành có 15/20 thành viên đan lát bán sản phẩm ra thị trường, cá nhân Chị Nguyễn Thị Tâm-hội viên chi hội thôn Bố Lang giúp đỡ đầu 15 hộ phụ nữ nghèo và thoát nghèo đến nay được 10 hộ thoát nghèo...

Từ những mô hình, gương điển hình tiên tiến này, có thể tổ chức nhân rộng bằng cách Hội LHPN huyện tổ chức triển khai, giao lưu học tập kinh nghiệm các mô hình tiến bộ,hiệu quả giữa các thành viên của Hội LHPN các xã, thôn; phối kết hợp với các tổ chức, các ngành để hỗ trợ khảo sát và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả của phụ nữ. Có thể khuyến khích, vận động những hộ thoát nghèo hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc” cho những hộ ở gần hoặc trong thôn. Lựa chọn gương phụ nữ thoát nghèo (nhất là những hộ nghèo có tuổi đời còn trẻ, có sức khỏe, ham học hỏi vươn lên thoát nghèo), báo cáo điển hình để chị em phụ nữ học hỏi kinh nghiệm… nhất là các mô hình sản xuất, mô hình phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, đã mang lại hiệu quả trong thực tiễn, phải tạo thành một phong trào lớn, có sức lan tỏa nhanh trong phụ nữ.

Đồng thời chú trọng phát huy và nhân rộng các mô hình phụ nữ tiết kiệm thiết thực, chi tiêu hợp lý trong cuộc sống như tiết kiệm chi phí sản xuất, việc cưới, việc tang, lễ hội,điện, nước, chi tiêu, mua sắm... ngoài các mô hình mà Hội LHPN huyện, xã đã triển khai thì cũng cần có các mô hình mới như “Biến rác thành tiền”, đó là hình thức thu gom rác thải tại nơi sinh sống của các chị em phụ nữ, từ tiền thu gom đó xoay vòng vốn cho chị em làm ăn kinh tế; “Sọt rác gia đình”, “Chăn nuôi có truồng trại”, hình thức thay đổi tập quán chăn nuôi và vệ sinh nhà cửa của hộ gia đình chị em phụ nữ cần được thực hiện và nhân rộng trong thời gian tới. Hội LHPN huyện và hệ thống chính trị các xã phải kịp thời tổ chức biểu dương, khen thưởng các chị em làm kinh tế giỏi, thực hiện tốt các phong trào và giảm nghèo thành công, giúp họ tiếp cận các nguồn vốn dưới nhiều hình thức khác nhau để tạo ra động lực khuyến khích họ vươn lên làm giàu chính đáng.

                                                                   Lê Thị Thu Hiền       

                                                             Phó trưởng khoa Dân vận
TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH NINH THUẬN
Địa chỉ: 168 Đường 21/8 - T.P Phan Rang - Tháp Chàm - Tỉnh Ninh Thuận
Điện thoại : 0259.3825543                  Email: