VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 1945
Theo đại từ điển tiếng việt, “Vai trò”: (danh từ) Chức năng, tác dụng của cái gì hoặc của ai trong sự vận động, phát triển của nhóm, tập thể nói chung, chẳng hạn: Vai trò của các tổ chức quần chúng; Tỏ rõ vai trò của mình; Có vai trò quyết định; Đóng vai trò quan trọng.
“ Lãnh đạo”: 1. Dẫn dắt, tổ chức phong trào theo đường lối cụ thể, chẳng hạn như: Lãnh đạo cuộc đấu tranh.
2. Cơ quan lãnh đạo, bao gồm những người có khả năng tổ chức, dẫn dắt phong trào, chẳng hạn như: chờ lãnh đạo cho ý kiến hoặc ban lãnh đạo đi vắng cả.
Trong phạm vi bài này chúng ta hiểu “Vai trò lãnh đạo của Đảng” theo nghĩa thứ nhất: Vai trò lãnh đạo của Đảng có nghĩa là: Đảng có chức năng lãnh đạo, Đảng đóng vai trò quan trọng, Đảng là lực lượng dẫn dắt, tổ chức cuộc đấu tranh giành thắng lợi trong cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. Vậy, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Tháng Tám năm 1945 được thể hiện như thế nào và ý nghĩa lịch sử to lớn của cách mạng Tháng Tám ra sao?.
Trước hết là, Vai trò lãnh đạo của Đảng được thể hiện ở đường lối chống đế quốc và chống phong kiến đúng đắn của Đảng. Đường lối chính trị đúng đắn của Đảng trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 không những thể hiện tinh thần triệt để cách mạng, tinh thần đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp mà còn toát lên tinh thần độc lập, tự chủ, tinh thần tự lực cánh sinh, tinh thần sáng tạo rất cao. Nhờ đó, khi chiến tranh thế giới bùng nổ (tháng 9/1939), Đảng ta đã mau lẹ chuyển hướng về chỉ đạo chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Như vậy là từ chỗ thấy hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến phải gắn liền với nhau, Đảng ta đã tiến lên một bước, nhận rõ thêm rằng trong hai nhiệm vụ chiến lược ấy thì nhiệm vụ chống đế quốc là nhiệm vụ chủ yếu nhất (điều này lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhận thấy và xác định ngay từ ngày đầu thành lập Đảng 3/2/1930 nhưng không được Quốc tế Cộng sản và Đảng ta tán thành). Nhờ nhận thức và chủ trương đúng đắn đó, Đảng đã tập hợp được thêm các lực lượng dân tộc mà cao trào cách mạng 1930-1931 trước đây chưa tập hợp được; Ngọn cờ dân tộc được giai cấp công nhân giương cao, trở thành tiếng gọi thống thiết tất cả mọi người yêu nước, mọi giai cấp, mọi tầng lớp từ công nhân, nông dân, tiểu tư sản và tư sản dân tộc, thậm chí cả một số địa chủ vừa và nhỏ có mâu thuẫn với đế quốc…tập hợp nhau lại trong một Mặt trận dân tộc thống nhất, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, trên nền tảng khối liên minh công - nông.
Đế quốc tăng cường khủng bố, Đảng ta đã biết mau lẹ chuyển từ hoạt động công khai và nửa công khai sang hoạt động bí mật hoàn toàn, chuyển trọng tâm công tác về nông thôn, dựa vào nông thôn xây dựng căn cứ địa cách mạng, bí mật chuẩn lực lượng, vận động quần chúng đấu tranh chính trị và khi có điều kiện thì đấu tranh vũ trang, đánh du kích. Đồng thời hết sức coi trọng vai trò của thành thị. Coi trọng việc gây cơ sở cách mạng và phát triển phong trào cách mạng ở thành thị, kết hợp chặt chẽ phong trào cách mạng ở thành thị với phong trào cách mạng ở nông thôn.
Hai là,Đảng đã dự doán đúng thời cơ và hành động chính xác, kịp thời khi thời cơ xuất hiện.
Ngay sau khi chiến tranh thế gới thứ hai bùng nổ, Đảng ta đã có những dự đoán ban đầu về thời cơ khởi nghĩa. Nghị quyết TW6 (11/1939) đã nhận định: “Cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị gây nên bởi đế quốc chiến tranh lần này sẽ nung nấu cách mạng Đông Dương bùng nổ” Dựa vào dự đoán ban đầu quan trọng đó và dựa vào sự phân tích đúng diễn biến của tình hình thế giới và trong nước, Nghị quyết Hội nghị TW8 (5/1941) nêu rõ: “ Liên Xô thắng trận, quân Trung Quốc phản công…tất cả các điều kiện ấy sẽ giúp cho các cuộc vận động của Đảng ta mau phát triển,và rồi đây, lực lượng sẽ lan rộng ra toàn quốc để gây một cuộc tổng khởi nghĩa rộng lớn”. Hội nghị nêu bật: ”Nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giành độc lập cho đất nước là một nhiệm vụ trước tiên của Đảng ta”, “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn phải chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Đến Hội nghị thường vụ TW ngày 9/3/1945, Đảng ta đã nhận thức cụ thể hơn: “Rồi đây, những thắng lợi của Liên Xô, sự tan rã của chủ nghĩa phát xít quốc tế…sẽ thúc đẩy cách mạng bùng nổ ở nhiều nước”. do đó tư tưởng chỉ đạo của Hội nghị là “Phải hành động ngay, hành động cương quyết nhanh chóng, sáng tạo chủ động, táo bạo”.
Nhờ dự đoán đúng tình hình và đúng thời cơ, toàn Đảng mới có hành động mau lẹ, kịp thời khi Nhật tuyên bố đầu hàng Liên Xô và Đồng Minh, sau khi nghe tin Nhật đầu hàng, Hội nghị toàn quốc của Đảng đã nhận định” Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động cuộc Tổng khởi nghĩa trong Toàn quốc giành chính quyền từ tay phát xít Nhật, trước khi quân Đồng Minh kéo vào Đông dương. Tiếp đó, Đại hội Quốc dân đã nhiệt liệt tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng và đã thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, đã cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng tức Chính phủ lâm thời do lãnh tụ Hồ Chí Minh đứng đầu.
Trong lãnh đạo khởi nghĩa, một vấn đề rất quan trọng có ý nghĩa quyết định thắng lợi đó là phải nắm đúng thời cơ. Thời cơ có thể do thực lực cách mạng trong nước tạo ra, cũng có thể do hoàn cảnh bên ngoài đưa lại. Nếu không có sẵn thực lực cách mạng đến mức đủ mạnh thì không thể tạo ra được thời cơ và khi thời cơ đến sẽ không kịp thời lợi dụng được nó. Thời cơ thuận lợi có một không hai của cuộc Tổng khởi nghĩa đã xuất hiện rất ngắn ngủi, vẻn vẹn trong 10 ngày (từ ngày 15 đến ngày 25/8), nghĩa là từ sau khi Nhật đầu hàng đến trước khi quân Đồng Minh vào Đông dương. Đảng ta đã ra lệnh Tổng khởi nghĩa đúng vào lúc thời cơ lịch sử có một không hai xuất hiện. Điều đó thể hiện Đảng ta đã thành công lớn trong nghệ thuật chỉ đạo cách mạng và đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Quả đúng như Chủ Tịch Hồ Chí Minh khi nói về tầm quan trọng của thời cơ đã viết:
“Lạc nước hai xe đành bỏ phí
Gặp thời một tốt cũng thành công”
Ba là, Đảng đã lựa chọn đúng hình thức, phương pháp đấu tranh, phát huy đến mức tối đa sức mạnh tổng hợp của cách mạng, giành thắng lợi một cách nhanh gọn.
Lựa chọn đúng thời cơ, lại còn phải có sự chỉ đạo và có phương pháp đúng mới có mới có thể giành được thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa. Tư tưởng chỉ đạo và phương pháp mà Đảng ta lựa chọn trong Tổng khởi nghĩa là:
- Dựa vào cao trào cách mạng của toàn dân.
- Kết hợp giữa lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, lấy lực lượng chính trị là chủ yếu, lực lượng vũ trang làm nòng cốt.
- Nổi dậy đồng loạt. Kết hợp phong trào ở nông thôn và phong trào ở thành thị hỗ trợ nhau để khởi nghĩa.
- Dựa vào sức mạnh chung của cách mạng, kể cả thế thắng của cách mạng thế giới là chính, có kết hợp ở một mức độ nhất định về công tác binh vận, thuyết phục bọn tay sai của Nhật đầu hàng.
- Ba nguyên tắc hành động là: Tập trung, thống nhất, kịp thời; Chính trị và quân sự phối kết hợp; Làm tan dã tinh thần quân địch và dụ chúng hàng trước khi đánh”.
Tư tưởng chỉ đạo nói trên của Đảng còn được quán triệt và thể hiện ở sự chủ động, năng động, sáng tạo của các Đảng bộ địa phương và diễn biến của Tông khởi nghĩa trong cả nước, nhất là ở những địa phương tiêu biểu, trọng yếu như ở Hà nội,Huế, Sài gòn, đặc biệt là ở thủ đô Hà nội.
Sự chỉ đạo của Đảng về hính thức, về nguyên tắc và về thời gian khởi nghĩa đã đưa lại kết quả là nhân dân ta giành được chính quyền trước khi quân Đồng Minh vào Đông dương.
Bốn là, Đảng đã thực hiện sách lược khôn khéo đối với Nhật trong khi tiến hành Tổng khởi nghĩa.
Từ tháng 9/1940, khi Nhật nhảy vào Đông Dương, Đảng ta xác định Nhật là kẻ thù chủ yếu, cần phải đánh đổ. Nhưng lúc này, Nhật đã đầu hàng Liên Xô và Đồng Minh, tinh thần quân đội Nhật hoang mang cao độ, Đảng đã thực hiện một sách lược khôn khéo: “ Đối với quân đội Nhật, chúng ta sẽ rất ôn hòa, tránh tất cả những sự xô xát vô ích, bất lợi cho cả đôi bên, đồng thời chúng ta có thể dùng ngoại giao làm cho Nhật hiểu rõ tình thế, tán thành cách mạng Việt Nam”.
Trong thực tế, lực lượng khởi nghĩa do Đảng chỉ đạo đã không đánh quân Nhật, mà dựa vào sức mạnh của cách mạng để thuyết phục và vô hiệu hóa lực lượng của chúng, làm cho chúng không can thiệp vào công việc giành chính quyền của nhân dân ta. Đối với những nơi xảy ra xô xát, ta dựa vào sức mạnh bạo lực của quần chúng và dùng đàm phán, buộc Nhật phải nhượng bộ. Nhờ đó, đã tránh được đổ máu và thổn thất trong quá trình tiến hành khởi nghĩa.
Như vậy, cuộc cách mạng tháng Tám thành công một cách mau lẹ, trọn vẹn là do nhiều nhân tố, nhưng trước hết và quyết định nhất là vai trò lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt và nghệ thuật chỉ đạo tài tình của Đảng ta.
Cách mạngTháng Tám năm 1945 thành công có một ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn đối với lịch sử dân tộc và thời đại.
Đối với dân tộc: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã đánh dấu một cuộc biến đổi cực kỳ to lớn trong tiến trình lịch sử của dân tộc, đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đứng lên làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) từ một đảng hoạt động bí mật trở thành một đảng cầm quyền. Nước ta từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, một nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
Đối với thời đại: Cách mạng Tháng Tám thành công đã thúc đẩy mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới phát triển mạnh mẽ, góp phần làm tan rã chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi thế giới. Cách mạng Tháng Tám đã nêu lên một chân lý lớn của thời đại, đó là: Trong thời đại ngày nay, một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở một nước thuộc địa do toàn dân nổi dậy dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản, có đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại hoàn toàn có khả năng thắng lợi. Cuộc cách mạng ấy có thể thành công trước khi giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở nước đế quốc có thể giành được chính quyền.
Tinh thần của cách mạng Tháng Tám là bất diệt, Độc lập dân tộc là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Chúng ta phải trân trọng và bảo vệ nền độc lập của dân tộc trong bất kỳ tình huống nào. Độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội vừa là mục tiêu, lý tưởng của Bác Hồ, của Đảng ta, vừa là nguyện vọng chân chính của nhân dân ta và đó cũng chính là con đường lựa chọn duy nhất đúng đắn của Bác, của Đảng và của nhân dân ta ngay từ năm 1930 của thế kỷ XX.
Vũ Thị Lý - Trưởng khoa xây dựng Đảng, đoàn thể