ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM QUA HỘI THI GIẢNG VIÊN DẠY GIỎI TOÀN QUỐC CÁC TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THÀNH PHỐ, TRƯỜNG CÁN BỘ CỦA CÁC BỘ NGÀNH, ĐOÀN THỂ TRUNG ƯƠNG LẦN THỨ VII KHU VỰC PHÍA NAM
Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trường cán bộ của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương (gọi tắt là Hội thi) là hoạt động định kỳ 3 năm/1 lần được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức từ năm 2005 đến nay với nhiều ý nghĩa thiết thực. Đối với giảng viên lý luận chính trị nhất là những giảng viên trẻ, đây là một diễn đàn để các giảng viên trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động giảng dạy, cập nhật kiến thức, đổi mới phương pháp giảng dạy, trau dồi kỹ năng sư phạm. Hội thi lần thứ VII ở khu vực phía nam diễn ra với không khí hồi hộp, căng thẳng, tự tin của các giảng viên dự thi nói riêng và các đoàn tham dự Hội thi nói chung, sự đón tiếp nồng hậu, nhiệt tình của Trường Chính trị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ ngày 26 đến ngày 28/4/2021. Qua Hội thi lần này, bản thân có một vài suy ngẫm về những vấn đề mà người giảng viên lý luận chính trị cần chú trọng rèn luyện.

Hội thi lần thứ VII khu vực phía nam diễn ra ở Trường Chính trị Bà Rịa - Vũng Tàu - một môi trường hoàn toàn xa lạ với 62 thí sinh/33 đoàn dự thi (trừ ba thí sinh của Trường Chính trị Bà Rịa – Vũng Tàu). Thành phần Ban Giám khảo là các chuyên gia có học hàm, học vị cao, am hiểu sâu sắc, có kinh nghiệm, thâm niên giảng dạy lý luận chính trị. Mỗi giảng viên dự thi là những giảng viên giỏi nhất được tuyển chọn từ hội thi giảng viên dạy giỏi của mỗi trường nên danh hiệu mà họ đạt được trong Hội thi cũng chính là danh hiệu tượng trưng cho uy tín của tập thể giảng viên ở trường chính trị một tỉnh, trường cán bộ của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương. Những yếu tố này tạo cho giảng viên dự thi tâm lý hồi hộp, căng thẳng trong suốt thời gian tham gia thi, nhất là trong thời gian thi công tiết giảng.

Với ba phần thi: giáo án, bài viết tự luận và giảng trên lớp, phần lớn giảng viên đã bình tĩnh, tự tin thể hiện năng lực của mình. Phần lớn giáo án được đánh giá cao về sự tỉ mỉ, rõ ràng, cụ thể, logic, phù hợp, khoa học cả về nội dung và phương pháp giảng dạy. Phần lớn các bài viết tự luận đã làm rõ được nội dung yêu cầu của đề ra, đánh giá, phân tích cụ thể, logic lý luận; vận dụng được lý luận để đánh giá được thực trạng, đề ra giải pháp có tính khả thi về những vấn đề mà đề thi yêu cầu. Trong thi công tiết giảng trên lớp, phần lớn giảng viên đã bảo đảm được quy trình 5 bước lên lớp; truyền tải đủ, đúng, đảm bảo tính khoa học nội dung bài giảng, thể hiện sự am hiểu sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cập nhật kịp thời các chủ trương, đường lối mới theo yêu cầu của Hội thi; có sự đổi mới, thuần thục trong áp dụng một số phương pháp giảng dạy phát huy tính tích cực của người học như phương pháp sàn lọc, phương pháp trực quan, phương pháp hỏi - đáp, phương pháp làm việc nhóm… và tạo được không khí sôi nổi cho tiết giảng.

Tuy nhiên, một số giảng viên vì nhiều lý do khác nhau, đặc biệt là áp lực tâm lý nên vẫn chưa thể hiện hết năng lực của mình. Một số giáo án vẫn còn thiếu sự chỉnh chu, còn sơ sài, phương pháp giảng dạy được thể hiện chưa phù hợp. 02/65 giảng viên khi làm bài thi viết chỉ làm một câu/2 câu trong đề thi. Trong quá trình thi giảng, một số giảng viên mất bình tĩnh, không làm chủ được nội dung, thời gian; vướng phải một số lỗi như không thuộc các đề mục trong bài giảng, nói nhầm các nội dung phải xin lỗi nhiều lần, nhìn power point đọc, chưa linh hoạt khi thiết bị hỗ trợ trình chiếu power point trục trặc, văn phong kết nối các ý còn rời rạc, cháy hoặc ướt giáo án. Nội dung được truyền tải đến học viên chưa rõ, vận dụng, cập nhật các chủ trương, đường lối mới không phù hợp với nội dung. Một số tiết giảng vẫn còn sử dụng chủ yếu phương pháp giảng dạy truyền thống, chưa thể hiện sự nhuần nhuyễn trong áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực; một số phương pháp áp dụng không phù hợp với nội dung và đối tượng; các quy luật tâm lý, sinh học của con người vẫn chưa được chú trọng như khả năng tập trung, khả năng tái lập lại sự chú ý; chưa tạo ra được không khí sôi nổi…

Với 65 thí sinh dự thi, Hội thi lần thứ VII ở khu vực phía nam có 44 giảng viên đạt được danh hiệu “giảng viên dạy giỏi” và 17 giảng viên đạt được danh hiệu “giảng viên dạy giỏi xuất sắc”, trong đó 17 giảng viên đạt danh hiệu “giảng viên dạy giỏi xuất sắc” đều là 17 giảng viên có số điểm công trình khoa học được công bố rất cao, người cao nhất là 25,5 điểm, gấp hơn 10 lần so với số điểm điều kiện để tham dự Hội thi (2,5 điểm) và 4 giảng viên/4 đoàn không đạt được kết quả mong muốn.

Trong phát biểu bế mạc Hội thi, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo Hội thi đã khẳng định rằng người giảng viên lý luận chính trị đạt danh hiệu “giảng viên dạy giỏi”, “giảng viên dạy giỏi xuất sắc” không phải chỉ giỏi, giỏi xuất sắc qua một tiết giảng, giáo án một buổi giảng mà phải là giảng viên dạy giỏi, dạy giỏi xuất sắc của tất cả các tiết giảng trong cả một phần học.

Từ thực tế diễn ra và kết quả Hội thi lần này cùng với ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chúng ta có thể thấy rằng yêu cầu, tiêu chuẩn của giảng viên đạt danh hiệu “giảng viên dạy giỏi”, “giảng viên dạy giỏi xuất sắc” phải dựa trên cơ sở đánh giá năng lực toàn diện của giảng viên. Vì vậy, giảng viên lý luận chính trị nói chung và giảng viên lý luận chính trị muốn đạt danh hiệu “giảng viên dạy giỏi”, “giảng viên dạy giỏi xuất sắc” toàn quốc nói riêng cần phải chú trọng rèn luyện về mặt tâm lý, bình tĩnh, tự tin, linh hoạt, làm chủ được nội dung trong tất cả tình huống, hoàn cảnh, môi trường. Muốn vậy, giảng viên cần phải không ngừng nỗ lực, đầu tư một cách nghiêm túc cho công tác nghiên cứu khoa học, dành thời gian nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn và vận dụng kết quả nghiên cứu đó phục vụ cho quá trình giảng dạy; cần phải nghiên cứu, nâng cao kiến thức chuyên môn, hiểu chắc, hiểu sâu hệ thống lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; rèn luyện các phương pháp giảng dạy, các kỹ năng nghề và kỹ năng mềm để đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng dạy, học lý luận chính trị theo hướng cả người thầy và người trò là trung tâm của quá trình đào tạo.

Với những yêu cầu cần rèn luyện như trên, bản thân mỗi giảng viên ở các trường chính trị, trường cán bộ của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương phải tích cực, chủ động. Giảng viên phải xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công việc mình đang đảm trách, tinh thần trách nhiệm đối với công việc, đặt ra mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ được giao với hiệu quả cao nhất. Những tiết giảng của giảng viên không chỉ chinh phục, khơi dậy được tinh thần, động cơ học tập của học viên ở trong nhà trường mà còn chinh phục được học viên ở các trường khác, được các chuyên gia giảng dạy lý luận chính trị đánh giá cao. Để đạt được mục tiêu đó, mỗi giảng viên phải xây dựng cho mình kế hoạch rèn luyện, phấn đấu.

Trong công tác nghiên cứu khoa học, giảng viên phải đặt ra cho mình mục tiêu không chỉ có các bài viết khoa học, công trình nghiên cứu ở trong phạm vi nhà trường mà phải có nhiều bài viết có chất lượng được đăng tải trên các trang web, báo, tạp chí của địa phương, Trung ương; tham gia nghiên cứu đề tài khoa học cấp tỉnh, nhà nước. Để nghiên cứu khoa học tốt, giảng viên phải chủ động tích lũy, tổng hợp kiến thức thực tiễn ở cơ sở, từ đó có những đóng góp để phát triển, hoàn thiện lý luận.

Giảng viên phải chủ động tìm hiểu, nghiên cứu chuyên sâu kiến thức trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là kiến thức lý luận nền tảng (chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh) thông qua việc chủ động lập kế hoạch tự học tập, tự nghiên cứu và tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn như lớp bồi dưỡng kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngoài ra, giảng viên còn phải có kế hoạch chủ động tích lũy kinh nghiệm đứng lớp; cập nhật, nghiên cứu, thực hành các phương pháp giảng dạy tích cực, phương pháp giảng dạy mới phù hợp với đối tượng và học hỏi, rèn luyện thêm các kỹ năng mềm bổ trợ như kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng diễn đạt, kỹ năng tuyên truyền, thuyết phục;…

Mặt khác, để hỗ trợ cho công tác xây dựng mỗi giảng viên của trường là một người giảng viên dạy giỏi, dạy giỏi xuất sắc toàn quốc, Đảng ủy, Ban Giám hiệu, lãnh đạo các phòng, khoa ở mỗi nhà trường chính trị, trường cán bộ cần phải đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện về thời gian, kinh phí và môi trường cho quá trình rèn luyện của mỗi giảng viên. Nhà trường có thể phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh hoặc các đơn vị giáo dục uy tín khác tổ chức các lớp bồi dưỡng giảng viên ngay tại trường hoặc cử giảng viên tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức chuyên môn, kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp giảng dạy. Lãnh đạo nhà trường cần tạo điều kiện cho giảng viên được thử sức ở các công trình nghiên cứu khoa học cấp tỉnh và tham gia tham luận ở các hội thảo khoa học trong tỉnh, ngoài tỉnh và khu vực. Phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” cần trở thành một phong trào thường xuyên, liên tục và “thực chất” ở mỗi nhà trường… Đồng thời Đảng ủy, Ban Giám hiệu mỗi nhà trường cũng cần có kế hoạch, lộ trình để lựa chọn, bồi dưỡng, rèn luyện giảng viên tham gia Hội thi giảng viên dạy giỏi ở lần tiếp theo ngay khi kết thúc Hội thi.

Tóm lại, để nâng cao chất lượng công tác giảng dạy lý luận chính trị, khắc phục bệnh lười học lý luận chính trị, vấn đề mấu chốt là phải xây dựng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị giỏi và giỏi xuất sắc. Hội thi là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm góp phần nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các trường chính trị, trường bộ, ngành. Đây là diễn đàn quan trọng để các giảng viên lý luận chính trị trao đổi kinh nghiệm, đồng thời còn là dịp để cán bộ lãnh đạo, quản lý và giảng viên của các trường thống nhất nhận thức về yêu cầu “đạt chuẩn” của đội ngũ giảng viên. Qua Hội thi, mỗi trường chính trị, trường cán bộ của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương xây dựng kế hoạch phù hợp tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong những năm tiếp theo. Đồng thời danh hiệu “giảng viên dạy giỏi”, “giảng viên dạy giỏi xuất sắc” của Hội thi trở thành mục tiêu để mỗi giảng viên của các trường nỗ lực rèn luyện, phấn đấu.

ThS.Trần Thị Thu Hường         

                                                       GV.Khoa Xây dựng Đảng, Đoàn thể


TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH NINH THUẬN
Địa chỉ: 168 Đường 21/8 - T.P Phan Rang - Tháp Chàm - Tỉnh Ninh Thuận
Điện thoại : 0259.3825543                  Email: