GIẢNG VIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ VỚI VIỆC BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG TRONG TÌNH MỚI
*Tóm tắt: Giảng viên giảng dạy lý luận chính trị phải ra sức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đây là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Mỗi giảng viên phải bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ngay trong chính bản thân mình, chống lại chủ nghĩa cá nhân chính trong con người của mình, từ đó tạo nên sức mạnh để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Hiện nay, bối cảnh thế giới và trong nước tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, khó lường. Trên thế giới đó là tình trạng chiến tranh phân biệt sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ, đói nghèo, di cư cùng với đại dịch Covid-19… đã và đang đe dọa nền hòa bình, ổn định của thế giới. Ở trong nước, các thế lực thù địch không ngừng thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” với các hoạt động lợi dụng tự do, dân chủ, nhân quyền và các chiến dịch tuyên truyền, xuyên tạc, bôi đen về tình hình Việt Nam. Chúng âm mưu thúc đẩy sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” một cách toàn diện và tập trung chống phá vào các lĩnh vực nhận thức, tâm lý, tình cảm, niềm tin của Nhân dân ta đối với Đảng, với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh... Qua đó, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, kêu gọi đa nguyên về chính trị, đa đảng đối lập, âm mưu thực hiện cuộc “cách mạng màu” nhằm lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, thay đổi hệ tư tưởng, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng thay vào một hệ tư tưởng mới theo ý đồ của chúng.
Trong bối cảnh đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị, đặc biệt là giảng viên giảng dạy lý luận chính trị phải ra sức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chống lại mọi âm mưu thủ đoạn phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch. Đây là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo Nhân dân ta giành thắng lợi qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Sau 35 năm đổi mới, đất nước ta luôn giữ vững ổn định chính trị, xã hội và đạt được những thành tự to lớn trên tất cả các lĩnh vực, uy tín, vị thế nước ta được nâng cao… Thực tiễn đó đã chứng minh, chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh với bản chất cách mạng, khoa học là lý luận tiên phong đã soi đường để Đảng Cộng sản Việt Nam làm tròn vai trò lãnh đạo cách mạng giành độc lập, thống nhất nước nhà và đạt được nhiều thành tự to lớn trong quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đó là minh chứng quan trọng nhất để khẳng định tính đúng đắn của cách mạng Việt Nam trong việc gắn liền giữa độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động là sáng suốt.
Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch ngày càng ra sức chống phá Đảng ta một cách mạnh mẽ với nhiều âm mưu, thủ đoạn thâm độc. Trong khi đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhận thức chưa đúng về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã khiến cho việc đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch gặp nhiều khó khăn, thách thức. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị không vững vàng, suy thoái về tư tưởng chính trị, còn hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; một số ít hoang mang, dao động, mất lòng tin; cá biệt còn phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng” [1].
Trước tình hình đó, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cả dân tộc. Trong đó, đặc biệt là đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc đấu tranh ngăn chặn, phản bác các thông tin, luận điệu, quan điểm xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm thực hiện tốt Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới đã khẳng định: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân”.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên mà là của cả dân tộc, trong đó đặc biệt là đội ngũ giảng viên ở các Trường Chính trị làm công tác giảng dạy lý luận chính trị. Bởi lẽ để Nhân dân cùng tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thì trước hết cán bộ, đảng viên mà đặc biệt là giảng viên Trường Chính trị phải làm gương, phải là những người hiểu rõ nội dung, ý nghĩa của việc thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 22/10/2018 là gì, để từ đó biết được nhân tố cần bảo vệ là gì, nếu không ngay cả cán bộ, đảng viên và bản thân người giảng viên cũng mơ hồ không hiểu thì sẻ không đủ sức mạnh để chiến đấu trước các lực lượng thù địch với những âm mưu, thủ đoạn vô cùng thâm độc. Nghị quyết nêu rõ: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.
Trường Chính trị là nơi đào tạo lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ dự nguồn của tỉnh, trên cơ sở đó đào tạo nên những hạt giống với nền tảng kiến thức vững vàng, hiểu rõ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước; là lực lượng vững mạnh để cùng xây dựng Đảng, xây dựng đất nước ngày càng phát triển, đồng thời cũng là lực lượng hùng hậu trên mặt trận đấu tranh phản bác chống lại những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù. Thầy hay mới có trò giỏi, khi mỗi thầy cô giáo là một tấm gương trong sự nghiệp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thì học viên sẻ noi theo, Nhân dân sẻ làm theo. Bên cạnh đó, mỗi giảng viên phải là những người có phẩm chất đạo đức tốt, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, không ngừng đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân vì đây là thứ bệnh mẹ đẻ ra hàng trăm thứ bệnh khác vô cùng nguy hiểm hay nói cách khác là không ngừng đấu tranh phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống tham nhũng, lãng phí và những biểu hiện “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa”. Đặc biệt, mỗi giảng viên phải có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, tin tưởng vào Đảng, vào sự nghiệp đổi mới, vào con đường mà Đảng và dân tộc ta đã lựa chọn và phải bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ngay trong chính bản thân mình, chống lại chủ nghĩa cá nhân trong chính con người của mình. Đây cũng là việc làm khó khăn nhất nhưng lại tạo nên sức mạnh để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ đó, Nhân dân sẻ đồng hành cùng Đảng trên con đường đấu tranh chống lại những luận điệu sai trái, xuyên tạc, bóp méo sự thật của các thế lực thù địch và sức mạnh của Nhân dân chính là bức “tường đồng vững chắc” để bảo vệ Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Gốc có vững cây mới bền, Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân” [2].
Bảo vệ những thành quả cách mạng, những giá trị mà các thế hệ cha ông đã hy sinh biết bao xương máu để hôm nay mỗi người dân Việt Nam đều được sống trong tình yêu, hạnh phúc với màu xanh hòa bình là trách của mọi người dân Việt Nam và đặc biệt là mỗi giảng viên Trường Chính trị phải là những người trên tuyến đầu ấy. Dù trong bối cảnh dịch COVID-19, với những diễn biến phức tạp khó lường: Một số công nhân mất việc làm, một số gia đình gặp khó khăn trong cuộc sống… đều được Đảng, Nhà nước chăm lo với nhiều chính sách hỗ trợ với phương châm “Không ai bị bỏ lại phía sau”. Vậy mà các thế lực thù địch đã rêu rao rằng: Nhà nước không giúp gì cho dân trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, số tiền ủng hộ mua vắc xin, ủng hộ người khó khăn không đến được với người dân…Trước tình hình đó, mỗi giảng viên Trường Chính trị càng phải ra sức đấu tranh phản bác lại những luận điệu xuyên tạc vô căn cứ này bảo vệ sự đoàn kết của toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của Nhân dân vào Đảng, vào sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc và cả trên mặt trận chống dịch Covid-19. Trước hết, mỗi giảng viên phải vận dụng, lồng ghép vào các bài giảng cũng như viết các bài báo để phản bác lại những luận điệu chia rẻ dân tộc, hạ thấp uy tín này. Những luận điệu xuyên tạc, bôi đen việc Đảng, nhà nước không quan tâm đến Nhân dân của chúng là vô căn cứ. Nếu Đảng và nhà nước ta không lo cho dân, vậy các thế lực này phải nói sao về những chủ trương,chính sách trong thời gian qua của Đảng, nhà nước, cụ thể như: Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng theo tinh thần nghị quyết số 42/NQ-CP của chính phủ “Về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19” và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19”; Ngày 01/7/2021 Chính phủ ban hành Nghị quyết 68 NQ/CP “Về việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19”. Với gói 26.000 tỷ được Chính phủ xác định hỗ trợ cho người lao động, sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 thể hiện tính nhân văn của chính sách, với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch… Bên cạnh đó, Đảng và nhà nước ta kêu gọi ủng hộ quỹ mua vắc xin phòng chống COVID-19, đây là quỹ nhân ái, tình thương, đoàn kết được Nhân dân trong và ngoài nước ủng hộ và hiện nay đã, đang được triển khai tiêm chủng trong Nhân dân đúng đối tượng. Hoặc ngay từ khi dịch bệnh mới bắt đầu, Đảng, Nhà nước ta đã bảo bộ, đưa người Việt Nam từ tâm dịch, từ nước ngoài về nước như bảo hộ công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập ở tâm dịch Vũ Hán đã để lại những ấn tượng và cảm xúc tốt đẹp không chỉ đối với du học sinh, người thân của họ mà với cả cộng đồng xã hội, cả dân tộc Việt Nam và thế giới; những chuyến bay 0 đồng đưa người Việt từ tâm dịch ở nước ngoài trở về nước trong tình thương của cả dân tộc… Tất cả những chủ trương, chính sách cũng như hành động tốt đẹp đó thể hiện bản chất của chế độ XHCN, thể hiện tính nhân văn, vì con người. Thử hỏi các thế lực thù địch hay một số lực lượng phản động đã làm được gì cho Nhân dân, cho đất nước hay là chỉ nhăm nhe phá hoại đất nước trong vỏ bọc của dân chủ, nhân quyền. Như vậy, qua việc lồng ghép vào các bài giảng của mình các giảng viên đã khẳng định được vị thế, vai trò của Đảng trong lòng học viên và đánh bại những âm mưu phá hoại của kẻ thù.
Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang chi phối, tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, các thế lực thù địch không ngừng lợi dụng tấn công trên không gian mạng. Vì vậy, đòi hỏi mỗi giảng viên cần phải hết sức tỉnh táo, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đồng thời nhận thức thấu đáo những âm mưu, thủ đoạn nguy hiểm của các thế lực thù địch, của chủ nghĩa đế quốc mặt khác phải sử dụng những thành tựu của khoa học công nghệ để vạch trần, phản bác một cách có văn hóa, khoa học các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, bóp méo sự thật của các lực lượng này. Chẳng hạn như trên các trang mạng xã hội như zalo, fabook khi xuất hiện những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, bôi đen của các thế lực thù địch với Đảng, Nhà nước ta trước hết mỗi giảng viên không được bấm vào nút like, share mà khéo léo phản bác lại những luận điệu này một cách có văn hóa, trên cơ sở khoa học cụ thể để vạch trần âm mưu của kẻ thù ngay trên không gian mạng này…
Bên cạnh đó, các giảng viên cần phải tham gia viết các bài khoa học, bài nội san, bài báo… để đấu tranh chống lại những âm mưu, luận điệu xuyên tạc của các lực lượng thù địch. Đồng thời, không ngừng vận động người thân, Nhân dân, học viên phải hết sức tỉnh táo và tham gia vào cuộc đấu tranh này. Có thể nói, giảng viên trường Chính trị là những người có kiến thức lý luận và thực tiễn sâu sắc, có phẩm chất đạo đức tốt và là tấm gương trên mặt trận đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tuy nhiên, để trở thành tấm gương cho học viên và để Nhân dân noi theo, bản thân mỗi giảng viên vừa phải là những người có đầy đủ các phẩm chất đạo đức cách mạng, nói đi đôi với làm, xây đi đôi với chống, không được nói suông, nói nhiều làm ít thì người khác không thể tin, không thể là tấm gương được. Bản thân mỗi giảng viên phải thể hiện ngay trong cuộc sống thường ngày cũng như trong công việc chuyên môn của mình luôn luôn sống có trách nhiệm, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, sống gần gũi, đoàn kết với Nhân dân, với học viên và luôn công tâm trong công việc, riêng đối với những luận điệu xuyên tạc của các lực lượng thù địch phải mạnh mẽ, quyết đoán, tỉnh táo. Từ thực tiễn đó, tạo nên hình ảnh người giảng viên mẫu mực cũng chính là đã góp phần bảo vệ Đảng, tăng cường uy tín của Đảng đối với dân.
Từ đó, mỗi cán bộ đảng viên và đặc biệt là học viên sẻ noi theo tấm gương của các giảng viên trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và mỗi người dân Việt Nam cũng sẻ đồng hành cùng với Đảng, với dân tộc trong mọi cuộc đấu tranh. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không phải là việc riêng của Đảng mà còn là việc chung, là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân”. Bên cạnh đó, mỗi giảng viên Trường Chính trị cần vận dụng Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị vào quá trình giảng dạy trong các phần học, môn học lý luận chính trị ở chương trình Trung cấp lý luận chính trị nhằm nâng cao nhận thức, sự quyết tâm cũng như trách nhiệm của mỗi giảng viên, học viên đối với quá trình đấu tranh chống lại các âm mưu, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trong tình hình mới. Thực hiện tốt Nghị quyết này sẻ tạo ra nguồn sức mạnh vô địch giúp cho Đảng ta ngày càng vững mạnh trước hàng ngàn những âm mưu thâm độc của kẻ thù nhằm xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” phá hoại sự nghiệp của Đảng và dân tộc ta đã tốn bao xương máu mới có được.
Chính vì vậy, mỗi giảng viên tại các trường chính trị cần nâng cao bản lĩnh chính trị, kiên định, vững vàng về lập trường, quan điểm, tư tưởng. Giử vững mục tiêu, lý tưởng cộng sản, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn phải thường xuyên, tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, và phải xác định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ hết sức cần thiết, quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa chiến lược trong giai đoạn hiện nay. Bản thân các giảng viên phải nghiên cứu kỹ để nắm chắc, hiểu sâu sắc những nội dung cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để ra sức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, vận dụng Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị trong quá trình giảng dạy lý luận chính trị.
Mỗi giảng viên cần vận dụng Nghị quyết 35-NQ/TW vào các bài giảng của mình và thể hiện rõ chính kiến của bản thân trước các luận điệu bôi đen, xuyên tạc của kẻ thù chẳng hạn ở như ở phần nội dung cơ bản của tưởng Hồ Chí Minh ở bài: Nguồn gốc quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, sau khi phân tích làm rõ các nguồn gốc cũng như các giai đoạn hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh giảng viên phải rút ra giá trị lý luận, thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, đồng thời khẳng định mối quan hệ giữa chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Bởi trong thời gian qua, các thế phản động đưa ra nhiều chiêu bài với những lời lẽ tưởng chừng như thấu hiểu hết bản chất của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng thực chất phía sau là một âm mưu đen tối, chúng đưa ra luận điệu vô căn cứ cho rằng: Chủ nghĩa Mác - Lênin mang tính chia rẽ, cực đoan và nặng về đấu tranh giai cấp, còn tư tưởng Hồ Chí Minh lại hoàn toàn ngược lại đề cao đoàn kết, thống nhất. Và Hồ Chí Minh là người không theo chủ nghĩa cộng sản mà theo chủ nghĩa dân tộc, chỉ coi trọng đoàn kết chứ không nhấn mạnh đấu tranh. Luận điều này của các thế lực phản động là muốn bôi đen, làm cho Nhân dân hoài nghi về bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chia rẻ sự đoàn kết trong Đảng dẫn đến hoài nghi về sự lãnh đạo của Đảng. Từ đó, chúng âm mưu thực hiện cuộc “cách mạng màu” thay đổi nền tảng tư tưởng của Đảng. Đây là một điều hết sức phản khoa học, bởi tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác-Lênin luôn thống nhất về bản chất khoa học, cách mạng và ngay ở mục tiêu, lý tưởng luôn mang tính nhân văn vì con người, giải phóng con người đem lại sự tự do, ấm no hạnh phúc. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kế thừa và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, đồng thời Người đã vận dụng sáng tạo vào thực tiễn Việt Nam góp phần làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin phong phú hơn. Đúng như Chủ tịch Hồ chí Minh khẳng định: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy.Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê nin”[3].
Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, với sự soi sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đánh đuổi thực dân Pháp, đế quốc Mỹ giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Và ngày nay trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 dưới sự lãnh đạo của Đảng với nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn được Nhân dân tin tưởng, ủng hộ. Do đó những luận điệu xuyên tạc, bôi đen, tách rời chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch, phản động là vô căn cứ, bởi chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mang bản chất cách mạng, khoah ọc không thể tách rời, không thể tuyệt đối hóa đề cao chủ nghĩa Mác-Lênin để rồi phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh và ngược lại.
Hoặc ở bài Lịch sử đảng bộ tỉnh, khi rút ra ý nghĩa Cách mạng Tháng 8/1945 tại các tỉnh… các giảng viên có thể lồng ghép liên hệ việc bảo vệ những thành quả cách mạng, bảo vệ Đảng trong giai đoạn hiện nay gắn liền với nhận thức, hành động của mỗi cá nhân để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời vạch trận luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả Cách mạng tháng 8/1945 của các thế lực thù địch, cho rằng: Thắng lợi của Cách mạng 8/1945 ở nướcta chỉ là một thứ “quả ngọt trời cho” hay là sự “ăn may” mà thôi. Đây là một quan điểm phiến diện, sai sự thật bởi chúng ta thấy từ thực tiễn lịch sử năm 1945, không phải nước nào đang chịu ách thống trị của phát xít thì cách mạng cũng nổ ra và giành thắng lợi được. Ở nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thắng lợi của Cách mạng tháng 8/1945 là kết quả của15 năm chuẩn bị lực về mọi mặt và đấu tranh từ cao trào cách mạng 1930-1931, cao trào cách mạng 1936-1939 cho đến cao trào đấu tranh giải phóng dân tộc 1939-1945. Trong 15 năm đó, biết bao máu xương và nước mắt của đồng bào ta đã đổ xuống. Chính vì vậy, thắng lợi của Cách mạng tháng 8/1945 không thể là sự “ăn may”, là “quả ngọt trời cho được”.
Qua quá trình lồng ghép, vận dụng vào các bài giảng trong chương trình trung cấp lý luận chính trị giúp học viên hiểu rõ, hiểu sâu sắc nội dung bài học và hiểu được giá trị cũng như trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ những thành quả các mạng mà các thế hệ cha anh đã đổ bao xương máu mới có được. Từ đó, nâng cao nhận thức và quyết tâm hành động trong mỗi học viên và người giảng viên càng thấy được trách nhiệm của bản thân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, trong qúa trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, mỗi giảng viên phải luôn tỉnh táo, cẩn trọng khi tiếp cận các thông tin và kịp thời phê phán những nhận thức lệch lạc và phải kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái và thù địch. Bên cạnh việc thực nhiệm vụ chuyên môn, người giảng viên phải vận động gia đình, Nhân dân cùng tham gia sự nghiệp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thông qua việc tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước để mỗi người đều hiểu rõ trách nhiệm của mình và sẵn sàng hành động trong mọi hoàn cảnh. Đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp và các lực lượng thù địch không ngừng lợi dụng chống phá, xuyên tạc, trách nhiệm của người giảng viên phải phân tích, tuyên truyền để mỗi người dân thấy được chủ trương của Đảng luôn quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần cũng như sự an toàn của Nhân dân là trên hết và giúp mọi người dân hiểu rõ được âm mưu thâm độc của các lực lượng phản động.Từ đó, mỗi người dân sẻ là một pháo đài vững chắc đồng hành cùng dân tộc, cùng Đảng xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Là một đảng viên, giảng viên bản thân luôn phấn đấu, rèn luyện các phẩm chất đạo đức cách mạng, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và luôn nỗ lực trong công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, luôn mạnh dạn tham gia đấu tranh trên mặt trận tư tưởng thông qua việc viết các bài khoa học, viết sách, báo và ngay cả trên các trang mạng xã hội bản thân các giảng viên phải luôn khéo léo bảo vệ uy tín của Đảng, chống lại các luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ của kẻ thù để kẻ thù bị vạch trần ngay trên không gian mạng.
Nói tóm lại, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới cũng như âm mưu chống phá của các thế lực thù địch đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là giảng viên trường chính trị phải là những tấm gương đi đầu trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Mỗi giảng viên phải giữ vững bản lĩnh chính trị, kiên định và tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng, nắm vững nội dung chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong quá trình giảng bài, giảng viên thể hiện rõ tính khoa học, tính Đảng và tính chiến đấu giúp học viên một lần nữa hiểu rõ, nắm vững kiến thức lý luận chính trị và tiếp thêm niềm tin vững chắc vào Đảng, vào con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân ta đã lựa chọn. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một vấn đề có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Qua đó, đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, củng cố, tăng cường sự đoàn kết trong Đảng, đem lại niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Ths. Bùi Thị Hương
Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập II, tr.168.
2. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 5, tr.502.
3. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 2, tr.28.