GIỮ VỮNG SỨ MỆNH LỊCH SỬ TOÀN THẾ GIỚI CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN VIỆT NAM VỚI CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ 4
Tóm tắt: Sau 35 đổi mới, giai cấp công nhân Việt Nam đã có sự thay đổi rõ rệt. Vị thế của giai cấp công nhân ngày càng được củng cố. Tuy nhiên, với xu thế toàn cầu hóa, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra mạnh mẽ, giai cấp công nhân Việt Nam đang đối diện một số vấn đề sau: trình độ tay nghề, ý thức chính trị. Vì vậy, bài viết tập trung một số vấn đề nêu trên của giai cấp công nhân Việt Nam.
Có thể nói công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã thu được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa rất quan trọng. Giai cấp công nhân Việt Nam đang là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp xây dựng xã hội mới, nhất là trong việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với kinh tế tri thức và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm hoàn thành mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. “Cuối năm 2019 giai cấp công nhân Việt Nam có khoảng 15 triệu người, chiếm 27% tổng số lao động, 14% dân số cả nước , tạo ra trên 65% giá trị tổng sản phẩm xã hội và hơn 70% ngân sách nhà nước”[1] Vănkiện Đại hội XIII đã xác định rõ hơn sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.Từ nhận thức sự lớn mạnh của giai cấp công nhân là một điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Những nội dung sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay càng được khẳng định hơn nữa trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là sự kế thừa thành quả của tất cả các cuộc cách mạng trước đây, mang tính toàn cầu, diễn ra rất nhanh chóng, tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, làm xuất hiện các khái niệm mới như: Chính phủ điện tử, kinh tế số, mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo. Trước diễn biến của cuộc cách mạng này, đã xuất hiện không ít ý kiến cho rằng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin về sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân không còn đúng nữa. Điều này, hoàn toàn không đúng! Chúng ta đều biết cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bắt nguồn từ đâu, do ai vận hành? Ai cũng biết, khoa học công nghệ do con người tạo ra nhưng không phải từ mong muốn chủ quan, tùy tiện mà bao giờ cũng do yêu cầu của hoạt động thực tiễn. Thực tế quá trình sản xuất đặt ra yêu cầu phải cải tiến công nghệ để nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Như vậy, chính quá trình sản xuất đặt yêu cầu phát triển công nghệ, người vận hành công nghệ không ai khác chính là giai cấp công nhân. Sự phát triển của khoa học công nghệ đặt ra yêu cầu khách quan cho giai cấp công nhân phải nâng cao năng lực, kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ lao động sản xuất. Do đó, quan điểm giai cấp công nhân vừa là sản phẩm, vừa là chủ thể của nền công nghiệp là không hề thay đổi. Mặt khác, nguồn gốc của sự phát triển xã hội xét đến cùng đều bắt nguồn từ lực lượng sản xuất, mà trong đó khoa học công nghệ có vai trò lớn trong việc phát triển lực lượng sản xuất. Đặc biệt, ngày nay khoa học công nghệ đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, nó đã trở thành nguyên nhân trực tiếp của nhiều biến đổi to lớn trong sản xuất vật chất. Chưa bao giờ tri thức khoa học được vật hóa, kết tinh, thâm nhập vào các yếu tố của lực lượng sản xuất một cách nhanh chóng và có hiệu quả như ngày nay. Do đó, tất cả các cuộc cách mạng khoa học từ lần thứ nhất đến lần thứ tư chỉ là biểu hiện sự phát triển của lực lượng sản xuất. Trong lý luận hình thái kinh tế xã hội, lực lượng sản xuất gồm có tư liệu sản xuất và người lao động, trong đó người lao động đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất là không thể phủ nhận. Công nghiệp lần thứ tư, với máy móc hiện đại, tự động hóa, những phát minh,sáng chế mới để ứng dụng vào quá trình sản xuất đều bắt nguồn từ con người, từ người lao động, tuy nhiên giai cấp công nhân để thích ứng với cuộc cách mạng ấy cần phải được tri thức hóa, cần được nâng cao về kỹ năng, trình độ chuyên môn. Điều đó, sẽ đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và giai cấp công nhân Việt Nam mới có thể hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.
Tuy nhiên, hiện nay giai cấp công nhân Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn như: yêu cầu cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tình hình thế giới có nhiều thay đổi, khó lường, âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch. Địa vị chính trị của công nhân chưa thể hiện đầy đủ. Sự phân tầng xã hội, phân hóa giàu nghèo trong nội bộ ngày càng sâu sắc, ảnh hưởng đến sự thống nhất, đoàn kết của giai cấp công nhân. Giaicấp công nhân Việt Nam còn hạn chế về phát huy vai trò nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ tri thức dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Có thể nói, sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân là một phạm trù có ý nghĩa lịch sử mang tính thời đại. Với xu thế toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp lần thứ đang diễn ra tác động mạnh mẽ đến giai cấp công nhân, đòi hỏi giai cấp ấy cần trang bị cho mình những kỹ năng, trình độ chuyên môn, cần được tri thức hóa để thích ứng với sự phát triển của số hóa, tin học hóa, internet vạn vật... thì giai cấp công nhân mới có thể bảo đảm được sứ mệnh lịch sử của mình; cùng với quá trình ấy giai cấp công nhân hiện nay cần phát huy hơn nữa chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân. Phát triển và đoàn kết giai cấp công nhân trên toàn thế giới hướng đến mục tiêu chung của nhân loại.
ThS. Trần Thu Hương
Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở
[1] PGS.TS Nguyễn An Ninh, Những nhận thức mới về giai cấp công nhân hiện nay, tạp chí cộng sản. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, ngày 17/4/2020.