BÁC BỎ Ý KIẾN “ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM KIÊN ĐỊNH ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI LÀ ĐƯA NƯỚC TA VÀO CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN DỊ BIỆT SO VỚI XU HƯỚNG CHUNG CỦA NHÂN LOẠI”

Tóm tắt: Có ý kiến cho rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam kiên định đi lên chủ nghĩa xã hội là đưa nước ta vào con đường phát triển dị biệt so với xu hướng chung của nhân loại”. Đây là ý kiến sai trái cần phải bác bỏ vì: mặc dù chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ nhưng bản chất của thời đại ngày nay không thay đổi, vẫn là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội; con đường phát triển của đất nước Việt Nam - kiên định lên chủ nghĩa xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là con đường phù hợp với quy luật tiến hóa của lịch sử. Sự phù hợp này đã được chính thực tiễn lịch sử thế giới, nhất là những trang sử chói lọi của cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo khẳng định.

Trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, sau khi tổng kết, đánh giá 35 năm lãnh đạo thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra các quan điểm chỉ đạo, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải quán triệt trong nhận thức và hoạt động thực tiễn, trong đó có quan điểm: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”[1].

Thế nhưng trước đó đã có ý kiến cho rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam kiên định đi lên chủ nghĩa xã hội là đưa nước ta vào con đường phát triển dị biệt so với xu hướng chung của nhân loại”[2]. Chúng ta có thể nhận diện đây là ý kiến hoàn toàn không đúng, là một trong rất nhiều luận điệu của các thế lực thù địch với mục đích không những phủ định con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn, phủ định những thành tựu “to lớn” mà Nhân dân ta đã đạt được trong thời gian qua, mà còn xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là Đảng cầm quyền duy nhất, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Một trong những căn cứ để đưa ra ý kiến trên là vì cho rằng ngay sau khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội đã kết thúc và thời đại ngày nay vẫn là thời đại tư bản chủ nghĩa. Chủ nghĩa tư bản hiện nay vẫn đang tạo nên nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các phương diện, vẫn còn tiềm năng phát triển và tính đến thời điểm hiện tại cách mạng xã hội chủ nghĩa chưa nổ ra và giành thắng lợi đồng loạt trên phạm vi toàn thế giới.

Vậy thời đại ngày nay là thời đại gì? Chúng ta không phủ nhận hiện tại chủ nghĩa tư bản vẫn còn tiềm năng phát triển, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa vẫn còn mở đường cho sự phát triển của lực lượng sản xuất. Thế nhưng sự phát triển của loài người là tuân theo các quy luật khách quan, trong đó quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất là một quy luật quan trọng. Sự hình thành, tồn tại, phát triển, diệt vong của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa cũng không thể nằm ngoài quy luật khách quan đó. Với sự phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, hiện tại lực lượng sản xuất phát triển đã mang tính xã hội hóa rất cao, trong khi đó, quan hệ sản xuất vẫn là chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Chủ nghĩa tư bản đã nhận thấy những mâu thuẫn này và đã có nhiều chính sách để điều chỉnh, nhưng không thể giải quyết triệt để các mâu thuẫn xã hội đang tồn tại. Trong lòng xã hội tư bản vẫn đang diễn ra các cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, giai cấp công nhân, nhân dân lao động vẫn mong muốn được sống trong một xã hội tốt đẹp hơn, không có người bóc lột người, được tự do, ấm no, hạnh phúc và đấu tranh để thực hiện mong muốn đó. Hay nói cách khác xã hội tư bản hiện nay đang ở trong giai đoạn “quá độ” để phát triển lên một xã hội tốt đẹp hơn.

Đúng là trong thời điểm hiện tại, cách mạng xã hội chủ nghĩa chưa thể nổ ra và giành thắng lợi đồng loạt trên phạm vi toàn thế giới được. Điều này hoàn toàn phù hợp với dự báo của C. Mác trước đây: “các lực lượng sản xuất của xã hội tư sản phát triển hết sức dồi dào trong chừng mực các mối quan hệ tư sản cho phép, thì không thể nói đến một cuộc cách mạng thực sự được”[3]. Tuy nhiên, hiện tại chưa thể nổ ra nhưng theo quy luật của sự phát triển sẽ nổ ra, khi “tích lũy đủ về lượng”, “bước nhảy” sẽ được thực hiện tức là cuộc cách mạng xã hội xảy ra để làm thay đổi về “chất” của xã hội.

Với góc độ tiếp cập thời đại theo nghĩa khái quát “là khái niệm về thời gian để chỉ sự phân kỳ lịch sử xã hội và để phân biệt những nấc thang phát triển xã hội mà theo đó nấc thang cao hơn tiến bộ hơn phủ định nấc thang cũ, lạc hậu để mở đường cho sự phát triển một thời đại mới”[4], sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Đông Âu không đồng nghĩa với sự chấm dứt của một thời đại mà cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã mở ra mà đó chỉ là biểu hiện sự phức tạp của quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Vì vậy chúng ta có thể khẳng định bản chất thời đại ngày nay vẫn không thay đổi.

Thời đại ngày nay vẫn là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, “…là thời đại cách mạng xã hội chủ nghĩa và cách mạng giải phóng dân tộc, là thời đại chủ nghĩa đế quốc bị thủ tiêu, là thời đại ngày càng có thêm nhiều dân tộc tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa, là thời đại thắng lợi của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn thế giới”[5]. Nội dung của thời đại ngày nay được thể hiện thông qua các phong trào độc lập dân tộc; phong trào dân chủ và tiến bộ xã hội; các xu thế lớn của thế giới: hòa bình, hợp tác, phát triển, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đa cực hóa đời sống kinh tế - xã hội, phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, v.v.

Với việc khẳng định bản chất của thời đại ngày nay như vậy, mỗi người dân Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin khẳng định rằng việc lựa chọn và kiên định con đường phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam - quá độ lên chủ nghĩa xã hội không những không dị thường, khác biệt mà còn hoàn toàn đúng, phù hợp với xu hướng phát triển chung của nhân loại.

Mặt khác, con đường phát triển của đất nước Việt Nam - kiên định lên chủ nghĩa xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã được chính thực tiễn lịch sử thế giới và thực tiễn lịch sử Việt Nam khẳng định tính phù hợp với xu hướng phát triển chung của nhân loại.

Với bản chất là một chế độ xã hội tốt đẹp, hướng đến mục tiêu giải phóng con người thoát khỏi mọi áp bức, bóc lột, bất công, nghèo nàn, lạc hậu và là giai đoạn đầu của hình thái kinh tế - xã hội cao nhất theo quan điểm của chủ nghĩa Mác -Lênin, chủ nghĩa xã hội đã trở thành hiện thực sau thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Chủ nghĩa xã hội đã thay thế chủ nghĩa tư bản ở một loạt nước từ Châu Âu, Châu Á sang cả khu vực Mỹ La tinh và qua quá trình phát triển đã từng đạt được những thành tựu vượt bậc, bảo đảm ngày càng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Đến năm 1970, Liên Xô, Cộng hòa Dân chủ Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc trở thành 04/20 nước phát triển của thế giới, Liên Xô vươn lên trở thành một trong hai cường quốc kinh tế của thế giới. Tuy nhiên, sau hơn ¾ thế kỷ xây dựng và phát triển, đến năm 1991 chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu đã sụp đổ.

Tuy nhiên, sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu không phải là sự "kết thúc lịch sử" của chủ nghĩa Mác - Lênin với tư cách là hệ tư tưởng tiến bộ, cách mạng và khoa học của thời đại; không phải là sự kết thúc của một chế độ xã hội ưu việt mà thực chất chỉ là sự tan rã của một mô hình của xã hội xã hội chủ nghĩa được coi là "mẫu mực" (hiện nay chúng ta gọi là mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu cũ). Mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu cũ sụp đổ là do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân cơ bản nhất là nhiều Đảng Cộng sản chưa nhận thức đầy đủ, vận dụng máy móc các quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội vào thực tiễn đất nước mình và xa rời nguyên tắc trong xây dựng đảng kiểu mới của chủ nghĩa Mác - Lênin, từ đó dẫn đến những sai lầm trong đường lối, chính sách, biến Đảng Cộng sản thành tổ chức độc quyền.

Trước sự khủng hoảng của mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu cũ, các Đảng Cộng sản cầm quyền ở các nước: Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Cu Ba trên cơ sở nghiên cứu, nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, bối cảnh của thời đại và yêu cầu cụ thể của tình hình mỗi nước đã tiến hành công cuộc cải cách hoặc đổi mới và đã hình thành ở mỗi nước một mô hình chủ nghĩa xã hội mang dấu ấn riêng của quốc gia, dân tộc. Trung Quốc tiến hành cải cách, mở cửa đất nước với mô hình chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc theo hệ tư tưởng phát triển từ nền tảng của chủ nghĩa Mác -Lênin gồm tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng Ba đại diện, quan điểm phát triển khoa học và tư tưởng xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc thời đại mới Tập Cận Bình. Lào kiên định xây dựng chủ nghĩa xã hội với đường lối đổi mới trên nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lêninvà tư tưởng Caysỏn Phônvihẳn. Mô hình chủ nghĩa xã hội Cuba với nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hôxê Mácti, kinh nghiệm và tư tưởng của lãnh tụ Phi đen Cátxtơrô, được thay đổi với thực hiện chương trình “cập nhật hóa mô hình kinh tế - xã hội”. Riêng Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, mặc dù có thay đổi trong một số chính sách cụ thể nhưng Đảng Lao động Triều Tiên vẫn chưa đề cập đến vấn đề cải cách hay đổi mới mà khẳng định trên cơ sở tư tưởng chủ thể (được xây dựng dựa trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin) kiên trì mục tiêu “xây dựng quốc gia xã hội chủ nghĩa hùng mạnh, thịnh vượng kiểu Triều Tiên”.

Như vậy, tuy chủ nghĩa xã hội đã sụp đổ “một mảng lớn” nhưng các quốc gia còn lại vẫn kiên định đi lên chủ nghĩa xã hội và đã thành công trong việc đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng, đạt được những kết quả quan trọng trên các phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại, riêng Trung Quốc từ sau 32 năm cải cách, mở cửa cho đến nay vươn lên trở thành nền kinh tế phát triển đứng thứ hai thế giới. Đây là bằng chứng thực tiễn không thể “chối cãi” được chủ nghĩa xã hội vẫn đang tồn tại “đầy sức sống” và phát triển ngày càng mạnh mẽ. Tuy ở các nước này vẫn tồn tại hạn chế, khuyết điểm ở các lĩnh vực, tốc độ phát triển vẫn không bằng các nước tư bản nhưng những thành tựu đạt được so với điểm xuất phát thấp là to lớn, vị thế, uy tín của các nước này trên thế giới ngày càng được nâng cao, đã góp phần khẳng định nếu chủ nghĩa Mác - Lênin được nhận thức đầy đủ, toàn diện và vận dụng linh hoạt, phù hợp với bối cảnh của thời đại và tình hình thực tế của mỗi nước thì loài người sẽ ngày càng tiến đến gần chủ nghĩa cộng sản.

Ngoài ra, ngày nay ngay trong lòng các nước tư bản chủ nghĩa, tư tưởng xã hội chủ nghĩa vẫn lôi cuốn không ít người. Trào lưu chủ nghĩa xã hội ở khu vực Mỹ La tinh là một ví dụ điển hình. Vào những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI đã xuất hiện trào lưu “chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI Mỹ La tinh” với nền tảng tư tưởng là sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với “tư tưởng Hôxê Mácti”, “tư tưởng nhân đạo Thiên chúa giáo” (hệ giá trị dân tộc). Trào lưu này đã bước đầu được thực hiện qua con đường bầu cử dân chủ, cải tạo từng phần chủ nghĩa tư bản thành chủ nghĩa xã hội. Đây là xu thế mới mở ra những nhận thức mới về khả năng kết hợp, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trong giai đoạn mới của thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội ngay trong lòng xã hội tư bản chủ nghĩa, có đóng góp nhất định vào sự phát triển của phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới. Trong thời gian tới, phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới vẫn tiếp tục sẽ phát triển với những xu hướng, trào lưu mới; lực lượng cộng sản vẫn là lực lượng quan trọng trong đời sống chính trị ở nhiều nước.

Với thực tiễn đã và đang diễn ra ở các nước trên thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận định: “Theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”[6]Đảng Cộng sản Việt Nam kiên định đi lên chủ nghĩa xã hội là đang đưa đất nước phát triển theo đúng quy luật tiến hóa của lịch sử.

Bên cạnh đó, những trang sử chói lọi, những thắng lợi vĩ đại, những chiến công hiển hách của cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo càng là những bằng chứng có sức thuyết phục để bác bỏ luận điệu “con đường phát triển dị biệt”, “không giống ai” của đất nước Việt Nam.

Vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược và đặt ách cai trị, các phong trào yêu nước ở Việt Nam liên tiếp diễn ra, nhưng dù theo lập trường phong kiến hay dân chủ tư sản, tiểu tư sản đều thất bại. Trong bối cảnh đó, Việt Nam xuất hiện người thanh niên trẻ - Nguyễn Tất Thành quyết ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân và đã tìm được cho cách mạng Việt Nam con đường cách mạng vô sản - con đường gắn liền giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và giải phóng con người, tức là đi tới chế độ xã hội chủ nghĩa. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với Cương lĩnh chính trị đầu tiên khẳng định: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[7] chứng tỏ cách mạng Việt Nam đã dứt khoát lựa chọn con đường cách mạng vô sản. Như vậy, cách mạng Việt Nam lựa chọn con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn khách quan. Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời cho đến nay đều xác định đi lên chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, là lý tưởng.

Với mục tiêu, lý tưởng đó và cùng với tình đoàn kết quốc tế, tận dụng những yếu tố của sức mạnh thời đại, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tập hợp được đông đảo Nhân dân, nắm vững ngọn cờ lãnh đạo cách mạng, đưa cách mạng Việt Nam liên tiếp giành được nhiều chiến công vĩ đại trong thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI: Cách mạng tháng Tám năm 1945; kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954); kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1945-1975); đưa cả nước vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế - xã hội; thực hiện thắng lợi bước đầu đường lối đổi mới tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trên cơ sở chuẩn bị lực lượng toàn diện, Đảng Cộng sản Việt Nam (lúc bấy giờ là Đảng Cộng sản Đông Dương) đã chớp thời cơ do sức mạnh quốc tế tạo ra (chiến thắng của Liên Xô và quân Đồng minh đối với chủ nghĩa phát xít Đức (9-5-1945), quân phiệt Nhật (15-8-1945)), lãnh đạo Nhân dân giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Thành công của cuộc cách mạng này đã đưa dân tộc Việt Nam vào hàng ngũ tiên phong của các dân tộc đấu tranh chống áp bức dân tộc, góp phần thúc đẩy và cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ, mở ra thời kỳ suy đổ trên phạm vi toàn thế giới của chủ nghĩa thực dân cũ. Đây cũng là một minh chứng về khả năng thành công của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở một nước thuộc địa do Đảng Cộng sản lãnh đạo với đường lối cách mạng đúng, phù hợp với nguyện vọng của đại đa số Nhân dân và xu thế phát triển của thời đại.

Cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) thắng lợi là do nhiều nguyên nhân trong đó có sự đóng góp to lớn của Liên Xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa, Nhân dân hai nước Đông Dương, Đảng Cộng sản Pháp, Nhân dân Pháp và các lực lượng hòa bình, dân chủ. Thành công của cuộc kháng chiến này đã cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc, thúc đẩy quá trình sụp đổ trên phạm vi toàn thế giới của chủ nghĩa thực dân cũ.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) kết thúc thắng lợi là do bên cạnh phát huy sức mạnh dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiếp tục phát huy được sức mạnh thời đại: thế tiến công mạnh mẽ của cách mạng trên thế giới; sự ủng hộ, giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa; sự ủng hộ, đồng tình của các lực lượng và Nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có Nhân dân Mỹ. Thắng lợi của cuộc kháng chiến đã đánh dấu chủ nghĩa thực dân mới đã thất bại, thúc đẩy phong trào phi thực dân hóa trên phạm vi toàn thế giới, tăng cường thế và lực cho hệ thống xã hội chủ nghĩa và phong trào cộng sản, công nhân quốc tế như Đảng ta khẳng định: “…đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”[8].

Trong giai đoạn tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa 1954 - 1986, mặc dù vào những năm đầu thập niên 80 đất nước ta lâm vào tình trạng trì truệ, khủng hoảng nhưng nhận thức của Đảng về mục tiêu, bản chất của chủ nghĩa xã hội vẫn là xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa. Cách mạng Việt Nam vẫn đạt được những kết quả nhất định, vẫn nhận được sự ủng hộ giúp đỡ về vật chất và tinh thần của các nước trong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa. Quan hệ đoàn kết, hợp tác giữa Việt Nam với Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa, Lào, Campuchia tiếp tục phát triển tốt đẹp trên cơ sở tôn trọng và tin cậy nhau. Việt Nam là thành viên chính thức của Phong trào Không liên kết; từng bước trở thành thành viên của các tổ chức: Quỹ tiền tệ IMF, Ngân hàng thế giới WB, Ngân hàng Phát triển châu Á AD, Liên Hợp quốc, Hội đồng tương trợ kinh tế. Những kết quả này đã tạo ra những nhân tố mới, tạo đà cho cách mạng nước ta tiếp tục tiến lên và đã góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của Nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng, trên cơ sở tổng kết thực tiễn; vận dụng, phát triển sáng tạo, linh hoạt chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra đường lối đổi mới và lãnh đạo Nhân dân kiên định đi lên chủ nghĩa xã hội.

Qua hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, với việc phát huy sức mạnh nội lực kết hợp với sức mạnh ngoại lực thông qua đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, đất nước ta đã ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, trở thành nước có thu nhập trung bình, đang phát triển. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam nhận định: “Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[9]. Đến năm 2020, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia trên thế giới, trong đó có hai cường quốc là Hoa Kỳ và Trung Quốc, có quan hệ đối tác chiến lược với 17 quốc gia và quan hệ đối tác toàn diện với 13 quốc gia; đã là thành viên của các tổ chức và diễn đàn quốc tế, khu vực như ASEAN, APEC, WTO, v.v; ký kết và phê chuẩn nhiều hiệp định thương mại tự do. Những thành tựu này đã tiếp tục khẳng định đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là đúng đắn, sáng tạo; khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước Việt Nam là phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Với phương châm “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế…”[10], Việt Nam còn có những đóng góp tích cực, đầy tinh thần trách nhiệm và mang tính xây dựng cho xu thế chung của thế giới: hòa bình, hợp tác và phát triển.

Như vậy, thực tiễn lịch sử Việt Nam đã chứng minh việc lựa chọn và kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội chính là nguồn gốc sức mạnh và tình đoàn kết quốc tế, sức mạnh thời đại là nhân tố hết sức cần thiết đưa cách mạng Việt Nam phát triển với các “chiến công vĩ đại”. Mỗi thắng lợi của cách mạng Việt Nam không chỉ có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với dân tộc Việt Nam mà còn có ý nghĩa trong việc góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của nhân loại. Do đó, nếu cho rằng con đường phát triển của Việt Nam - độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là khác biệt so với xu hướng chung của nhân loại, vậy tại sao mỗi bước thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều có sự góp sức của các lực lượng hòa bình, Nhân dân tiến bộ trên thế giới? Nếu Đảng Cộng sản Việt Nam kiên định đi lên chủ nghĩa xã hội là đưa đất nước đi theo con đường “không giống ai” so với xu thế chung của nhân loại, vậy tại sao Việt Nam ngày càng có nhiều bạn, nhiều đối tác và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng nâng cao?

Tóm lại, trong bối cảnh mới, đất nước có được những thời cơ, vận hội để phát triển nhưng không tránh khỏi những khó khăn, thách thức đan xen, trong đó có các luận điệu tuyên truyền, bôi nhọ, phủ nhận thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội, phủ định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, cho rằng Việt Nam đang phát triển theo con đường dị biệt so với xu hướng phát triển chung của thời đại, con đường mà Đảng Cộng sản Việt Nam lựa chọn là không phù hợp. Vì thế đòi hỏi mỗi người dân Việt Nam cần vận dụng được cơ sở lý luận và thực tiễn để đấu tranh bác bỏ và khẳng định con đường mà Đảng Cộng sản Việt Nam lựa chọn và kiên định là con đường đúng đắn, không chỉ phù hợp với thực tiễn, nguyện vọng của Nhân dân Việt Nam mà hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển chung của thời đại, ước vọng của nhân loại ngày nay. Mỗi người dân Việt Nam hiện nay trên cơ sở lòng tự hào dân tộc cần phải cùng toàn Đảng, toàn quân luôn luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội với đường lối đổi mới để “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[11].

   

ThS.Trần Thị Thu Hường         

                                                       GV.Khoa Xây dựng Đảng, Đoàn thể 


Tài liệu tham khảo:

1.     C.Mác và Ph.Ăng ghen (1993), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 7.

2.     Đảng Cộng sản Việt Nam (2004), Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 37.

3.     Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4.     Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Tập 1.

5.     Học viện chính trị quốc gia khu vực I (2018), Đề cương môn học lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (chuyên đề 5), https://hcma1.hcma.vn

6.     Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2018), Giáo trình cao cấp lý luận chính trị - Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội.

7.     Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình trung cấp lý luận chính trị - Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Lý luận chính trị (dạng bản thảo, dự kiến xuất bản trong năm 2021).

8.     Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình trung cấp lý luận chính trị - nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, Nxb. Lý luận chính trị (dạng bản thảo, dự kiến xuất bản trong năm 2021)

9.     Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - sự thật, Hà Nội, tập 3.

10.   Phạm Tất Thắng - Nguyễn Linh Khiếu (2017), Quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Tập1, tr. 109.

[2] Học viện chính trịquốc gia khu vực I (2018), Đề cương môn học lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (chuyên đề 5), https://hcma1.hcma.vn

[3] C.Mác và Ph.Ăng ghen (1993), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 7, tr. 137.

[4] Phạm Tất Thắng - Nguyễn Linh Khiếu (2017), Quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay,Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 164.

[5] Dẫn lại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2018), Giáo trình cao cấp lý luận chính trị - Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, tr. 274.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 69.

[7] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - sự thật, Hà Nội, tập 3, tr.1.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam  (2004),  Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 37, tr.471.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Sđd, tr.103 - 104.

[10] Đảng Cộng sản ViệtNam (2011), sđd, tr.236.

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Sđd, tr.112.


TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH NINH THUẬN
Địa chỉ: 168 Đường 21/8 - T.P Phan Rang - Tháp Chàm - Tỉnh Ninh Thuận
Điện thoại : 0259.3825543                  Email: