NHẬN DIỆN QUAN ĐIỂM SAI TRÁI VỀ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM

  Tóm tắt: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một nội dung mà các thế lực thù địch vẫn thường xuyên bóp méo, xuyên tạc, do đó, nhận diện và đấu tranh với các luận điểm sai trái của các thế lực thù địch là một nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

  Ngày 22-10-2018, Bộ Chính trị khoá XII ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Trong đó, Bộ Chính trị nêu rõ: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước; đồng thời, Nghị quyết nhấn mạnh: Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ờ Việt Nam là một mô hình vận dụng mang tính sáng tạo, tuy nhiên, đây là một nội dung mà các thế lực thù địch thường xuyên bóp méo, xuyên tạc. Một trong số đó có quan điểm cho rằng: Thị trường và chủ nghĩa xã hội là hai khái niệm không thể trộn lẫn, chủ nghĩa xã hội không dung nạp kinh tế thị trường nên không có kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…Việc nhận diện, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cần phải làm rõ một số luận điểm sau:

   Thứ nhất, Kinh tế thị trường không phải là sản phẩm riêng, là đặc trưng của chủ nghĩa tư bản mà là sản phẩm của nhân loại

Có rất nhiều quan niệm về kinh tế thị trường từ giản đơn cho đến bao quát hơn, có thể tựu chung lại về quan điểm kinh tế thị trường như sau: Kinh tế thị trường là kinh tế hàng hóa phát triển ở trình độ cao, trong đó toàn bộ các yếu tố “đầu vào” và “đầu ra” của sản xuất đều thông qua thị trường.

   Kinh tế thị trường được vận hành theo cơ chế thị trường, chịu sự chi phối của các quy luật kinh tế thị trường trong việc sản xuất, lưu thông hàng hóa, phân bổ tài nguyên. Đây là một kiểu mô hình kinh tế hình thành và phát triển do những đòi hỏi khách quan về sự phát triển của lực lượng sản xuất. Quá trình hình thành, phát triển kinh tế thị trường là quá trình mở rộng phân công lao động xã hội, phát triển khoa học - công nghệ và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất- kinh doanh[1]. Kinh tế thị trường phát triển đến đỉnh cao trong lòng chủ nghĩa tư bản khi sức lao động trở thành hàng hóa. Ngày nay, kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ, hình thành nên thị trường không chỉ có tính khu vực mà còn có tính toàn cầu. Có lẽvì thế mà không ít người ngộ nhận rằng, kinh tế thị trường là sản phẩm riêng, là đặc trưng của chủ nghĩa tư bản.

   Thứ hai, Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một mô hình kinh tế có những đặc trưng, đặc thù riêng biệt.

   Ngày nay, trong lòng các nước tư bản chủ nghĩa xuất hiện các kiểu kinh tế thị trường khác nhau. Một số nước đi theo mô hình kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước theo học thuyết Kenyes, một số nước đi theo mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội và hạn chế tối đa sự điều tiết của Nhà nước theo quan điểm học thuyết “Chính phủ hạn chế” của Thomas Jefferson hay Margaret Thatcher…Các mô hình này đều có một điểm chung đó là vẫn dựa trên quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, tức là dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân tư­ bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, thành phần kinh tế chủ yếu là kinh tế tư­ bản t­ư nhân; mục đích chủ yếu của nền kinh tế là mang lại lợi ích cho giai cấp bóc lột. Đây về thực chất vẫn là kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa.

   Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam “là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước”[2].

   Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam có các đặc trưng cơ bản sau đây:

   Về mục tiêu phát triển: giải phóng mạnh mẽ và không ngừng phát triển sức sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân; xây dựng những tiền đề vật chất cho chủ nghĩa xã hội; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

       Về sở hữu thành phần kinh tế:

      Với sự tồn tại đa dạng hóa các hình thức sở hữu, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì tất yếu nền kinh tế đó có nhiều thành phần kinh tế. Đảng ta xác định, “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”[3]. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế được tự chủ sản xuất kinh doanh và chịu sự điều tiết của các quy luật thị trường, luật pháp của Nhà nước. Giữa các chủ thể vừa có sự hợp tác, vừa có cạnh tranh và được bình đẳng trước pháp luật.
   Về cơ chế vận hành nền kinh tế xã hội chủ nghĩa: vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
   Về phân phối trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đó là: Quan hệ phân phối bảo đảm công bằng và tạo động lực cho phát triển; các nguồn lực được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội[4].

      Kinh tế thị trường sẽ phát triển không theo một hình mẫu hay một phương án nào cả, mà nó phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của mỗi quốc gia sao cho phù hợp với định hướng phát triển chung của quốc gia đó. Mỗi quốc gia luôn có sự vận dụng sáng tạo theo cách riêng, không rập khuôn theo khuôn mẫu hay của các quốc gia khác nhưng vẫn tuân theo các quy luật của kinh tế thị trường. Việc xuyên tạc, bóp méo mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đó là những luận bàn vô căn cứ, cố tình phủ nhận những thành quả mà Đảng và nhân dân ta đã tạo lập và xây dựng nên./.

Phạm Hưng Long                

                                                     Giảng viên Khoa Nhà nước - Pháp luật



[1]https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/dau-tranh-phan-bac-cac-luan-dieu-sai-trai-thu-dich/chi-tiet/-/asset_publisher/YqSB2JpnYto9/content/phe-phan-nhung-nhan-thuc-lech-lac-luan-diem-sai-lam-ve-nen-kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xa-hoi-chu-nghia-o-nuoc-ta.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đạihội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2021, tập I, tr128.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đạihội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2021, tập I, tr112.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đạihội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia. H 2011, tr.74.


TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH NINH THUẬN
Địa chỉ: 168 Đường 21/8 - T.P Phan Rang - Tháp Chàm - Tỉnh Ninh Thuận
Điện thoại : 0259.3825543                  Email: