SUY NGHĨ VỀ MINH TRIẾT HỒ CHÍ MINH
Tóm tắt: Là lãnh tụ cách mạng vĩ đại, là một nhà tư tưởng lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại di sản tư tưởng phong phú cho dân tộc. Những tư tưởng ấy được kế thừa từ giá trị truyền thống dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, chủ nghĩa Mác-Lênin, được vận dụng trong hoàn cảnh Việt Nam và nâng tẩm trở thành triết lý, minh triết Hồ Chí Minh. Nội dung cốt lõi của minh triết Hồ Chí Minh là độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, là sự khẳng định vai trò của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng là triết lý sâu sắc về đạo đức và thể hiện sinh động qua hoạt động thực tiễn của Người.

Hồ Chí Minh anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất. Người đã đi xa, song người đã để lại cho dân tộc Việt Nam một di sản đồ sộ, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong thời gian gần đây, các nhà nghiên cứu đã không dừng lại ở việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh mà đã xuất hiện những công trình nghiên cứu mới về “Minh triết Hồ Chí Minh”.

Minh triết, hiểu một cách chung nhất là sự tư duy, mẫn tiệp, thông tuệ của trí tuệ mang tính cách Phương Đông. Đó là những tư tưởng thuộc về nhân sinh, đạo lý, gắn với đời sống, rất gần với thực tiễn và nó trở thành những chỉ dẫn về lối sống cho con người.

Trước hết, chúng ta thấy hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh là toàn diện, nhất quán và kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội.

Ngay khi bắt đầu bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, Người luôn đau đáu về câu hỏi lớn là làm sao cho dân tộc được độc lập, nhân dân được tự do, ấm no, hạnh phúc, cho tới khi Người đọc được Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin đã giải đáp cho Người về con đường giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân, và Người đã kiên định tin theo Lênin, tin theo Quốc tế III. Đó là con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và con người.

Đầu năm 1946, sau thắng lợi của cuộc tồng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập và Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành Chủ tịch chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người đã nói: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai củng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành"1.

Câu nói ấy thật giản dị nhưng thấm đậm triết lý cao sâu và thực sự là một minh triết của Người, minh triết Hồ Chí Minh. Minh triết ấy đã đúc kết những giá trị tinh hoa của dân tộc Việt Nam trong suốt tiến trình lịch sử của dân tộc mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, thể hiện khát vọng của toàn thể nhân dân ta trong suốt một nghìn năm đô hộ của các thế lực phong kiến phương Bắc, tám mươi năm đấu tranh chống ách thống trị của chủ nghĩa thực dân Pháp, hơn hai mươi năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược để giành lại độc lập, tự do và xây dựng cuộc sống mới. Bởi vì, chỉ khi đất nước giành được độc lập thực sự mới là cơ sở tiền đề vững chắc để nhân dân được hoàn toàn tự do một cách toàn vẹn để xây dựng ấm no, hạnh phúc.

"Độc lập, tự do, hạnh phúc" vừa là lý tưởng chiến đấu, là lẽ sống của Người, là hệ giá trị vô giá và là cơ sở tiền đề, khách quan mang tính biện chứng sâu sắc mà Người đã đề ra cho cả dân tộc và cách mạng Việt Nam. Vì lý tưởng ấy, hệ giá trị ấy thực sự là cơ sở tiền đề, khách quan, trở thành một minh triết của Người nên toàn thể dân tộc Việt Nam đã đi theo Đảng, Hồ Chí Minh làm nên những thắng lợi từ Cách mạng tháng Tám thành công, tiến hành hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước thắng lợi. Và ngày nay cả dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng ta, đang vững vàng tiến bước trên con đường đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội, hướng tới mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Minh triết ấy của Người không chỉ là cơ sở tiền đề, khách quan cho cách mạng Việt Nam, mà là mục tiêu hành động nhất quán của Người, với Hồ Chí Minh, không có hạnh phúc nào lớn hơn là hạnh phúc được phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Vì thế, khi xác định tư cách của một Đảng cách mạng chân chính, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (tháng 10-1947), Người khẳng định bản chất, mục tiêu lý tưởng của Đảng ta là: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”2. Người luôn nhắc nhở: "Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác"3. Vì vậy, Người yêu cầu mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân để đấu tranh chống ách thống trị của chủ nghĩa thực dân và phong kiến nhằm giành lại độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân và xây dựng cuộc sống mới.

Thực tế đã chứng minh trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người đã thực hiện đúng như vậy. Một vị anh hùng dân tộc, một danh nhân văn hóa kiệt xuất, nhưng cho đến khi đi gặp các cụ Các Mác, Lênin và các bậc tiền bối cách mạng khác, trên ngực áo Người vẫn không một tấm huy chương.

Theo học thuyết của chủ nghĩa Mác- Lênin, chủ nghĩa xã hội là xã hội tốt đẹp, nằm ở nấc thang phát triển cao hơn chủ nghĩa tư bản. Vì thế, giai cấp vô sản muốn thực hiện được sứ mệnh lịch sử của mình thì phải xây dựng được đội ngũ tiên phong của giai cấp, đáp ứng với mục tiêu phát triển của xã hội tốt đẹp đó. Thực tiễn cho thấy bao giờ và ở đâu cũng vậy, muốn xây dựng một xã hội đương đại cũng cần có những con người tiêu biểu đại diện cho lực lượng phát triển của xã hội đó, mà lịch sử thường gọi là “thời đại” và “con người của thời đại”. Đối với chủ nghĩa xã hội cũng vậy.

Chủ nghĩa xã hội là một xã hội có lý, có tình. Lý ở đây là quy luật, là khoa học, thể hiện trong đời sống xã hội là pháp luật. Tình ở đây là giá trị nhân văn, nhân tính, là đạo đức trong sáng, là giá trị con người, được thể hiện cụ thể qua tình anh em, đồng nghiệp, tình đổng chí, đồng bào và cao nhất là tình người. Có thể thấy đây là một minh triết mang tính mục tiêu bao hàm, rộng lớn và đầy tính nhân văn của Hồ Chí Minh.

Trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: Cách mạng xã hội chủ nghĩa là cuộc cách mạng sâu sắc nhất, triệt để nhất, chưa từng có trong lịch sử nước nhà. Theo cách nói “đơn giản và dễ hiểu” của Người thì chủ nghĩa xã hội là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động” để “ai cũng được làm việc, được ăn no mặc ấm, được học hành, người già yếu được giúp đỡ, các cháu bé thì được chăm sóc”4. Người cho rằng, đó là những tư tưởng rất sâu sắc và đầy tính nhân văn mang đậm dấu ấn minh triết Hồ Chí Minh. Người cũng chỉ rõ: “Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta nhất định có những khó khăn. Biến đổi một xã hội củ thành một xã hội mới, không phải là một chuyện dễ”5.

Điểu lớn lao nhất của cách mạng xã hội chủ nghĩa là phải xây dựng được nền tảng vật chất của chủ nghĩa xã hội. Mà muốn xây dựng được nền tảng vật chất cho chủ nghĩa xã hội, điều quan trọng nhất là phải có những con người của xã hội xã hội chủ nghĩa. Đó là những chủ thể trực tiếp tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ đó, Người khẳng định: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”6. Đó là những con người có “tư tưởng và tác phong xã hội chủ nghĩa”, có ý thức làm chủ Nhà nước, thấm nhuần sâu sắc tinh thần tập thể xã hội chủ nghĩa và tư tưởng mình vì mọi người, mọi người vì mình, chăm lo việc nước như chăm lo việc nhà, biết tự mình lo toan, gánh vác, không ỷ lại, không ngồi chờ, đùn đây công việc. Hơn nữa, con người xã hội chủ nghĩa phải biết thắng được chủ nghĩa cá nhân, lợi mình hại người, tự do vô tổ chức, vô kỷ luật và những tính xấu khác. Bởi Người cho đó là “kẻ địch nguy hiểm của chủ nghĩa xã hội”7. Đây cũng là một minh triết của Hồ Chí Minh, là một nội dung bao chứa rộng lớn cả về lý luận và thực tiễn, trở thành phương châm hành động, sợi chỉ đỏ xuyên suốt của cách mạng Việt Nam nhằm xây dựng chế độ xã hội mới, xã hội xã hội chủ nghĩa vì con người, do con người để giải phóng con người.

Khi bàn về chân lý, chúng ta đều hiểu một cách chung nhất: chân lý là những tri thức có nội dung phù hợp với thực tế khách quan, sự phù hợp đó đã được kiểm tra và chứng minh bởi thực tiễn. Nói cách khác chân lý là thực tại được nhận thức một cách đúng đắn. Nhưng Hồ Chí Minh nói chân lý là cái gì tốt cho nhân dân, cái gì lợi cho nhân dân và cái gì đúng với nhân dân thì cái đó là chân lý. Đó cũng là một tư tưởng minh triết Hồ Chí Minh, minh triết về lấy dân làm gốc trong mọi hoạt động cách mạng.

Tiếp thu những giá trị truyền thống của dân tộc và chủ nghĩa Mác - Lênin, đúc kết kinh nghiệm sau bao năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài và tổng kết từ thực tiễn cách mạng trong nước, Hồ Chí Minh đã kế thừa một cách sáng tạo, đúng đắn về vai trò của quần chúng Nhân dân trong sự nghiệp của cách mạng Việt Nam là: "Dân là gốc của một nước, nước lấy dân làm gốc" và tư tưởng minh triết “Lấy dân làm gốc” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng của Người. Từ đó, Người khẳng định chân lý: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào. Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân”8. Trong cuộc kháng chiến kiến quốc, Người khẳng định lực lượng cách mạng chính là ở dân, nên “Cách làm là dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây hạnh phúc cho dân”; "Gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân".

Cuối năm 1946, trong điều kiện nước sôi, lửa bỏng khi thực dân Pháp quay lại quyết xâm chiếm nước ta một lần nữa, vì thấu hiểu sức mạnh đoàn kết toàn dân, với minh triết lấy dân làm gốc, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là lời hiệu triệu, là tiếng gọi non sông mang hào khí của một dân tộc anh hùng. Hưởng ứng lời hiệu triệu của Người, đồng bào cả nước đã đồng lòng đi kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Đảng, và đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vang dội. Cũng tinh thần ấy, khí phách ấy, chúng ta lại “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, thu giang sơn về một mối. Bao chiến thắng lẫy lừng đó là chiến thắng của nhân nghĩa, của khát vọng hòa bình và cũng là chiến thắng của sức dân, triệu người như một.

Từ minh triết “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra sức mạnh của nhân dân trong mối liên hệ với cộng đồng dân tộc, với giai cấp, với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Có dân là có tất cả đã trở thành phương pháp luận và phương châm hành động trong hoạt động cách mạng của Người. “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Và Người khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân.Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”9. Mỗi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước đều do Nhân dân quyết định, cho nên Người tập hợp, đoàn kết đông đảo Nhân dân, phát huy cao độ vai trò của Nhân dân trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta.

Từ minh triết lấy dân là gốc nên trong giáo dục cán bộ, Người chú trọng chống bệnh quan liêu xa dân. Người khẳng định cán bộ mắc bệnh quan liêu, xa dân sẽ không hiểu được dân, thì khó biến chủ trương, đường lối của Đảng thành hiện thực. Mặt khác, nạn tham nhũng, tiêu cực, thói hách dịch, phiền nhiễu Nhân dân là điều đáng quan ngại, nếu không được ngăn chặn, đẩy lùi sẽ làm cho dân mất niềm tin mà xa Đảng, xa cán bộ thì nguy cơ thật khôn lường, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ.

Cảnh báo từ rất sớm tình trạng nêu trên, trong Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, tháng 10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân”10.

Có thể thấy, xuyên suốt trong minh triết Hồ Chí Minh là tư tưởng coi trọng địa vị làm chủ của nhân dân. Do đó, trong xây dựng nhà nước, Người xác định phải xây dựng một Nhà nước thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quyền lực nhà nước cũng phải thực sự thuộc về nhân dân và phục vụ cho lợi ích của nhân dân. Trong thực hiện quyền lực nhà nước, Người thường dùng khái niệm "ủy thác" để nói đến việc nhân dân trao một phần quyền lực của mình cho Nhà nước. Đồng thời, Người tiếp thu và vận dụng sáng tạo nhiều trường phái lý luận khác nhau về vấn đề nhà nước và quyền lực nhà nước, phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam, xây dựng chính thể nhà nước cộng hoà dân chủ nhân dân ở Việt Nam.

Người cho rằng người có đạo đức thì tiếp thu chân lý dễ hơn. Luận điểm này của Hồ Chí Minh rất sâu sắc, tức là người có đạo đức thì dễ phục thiện hơn, dễ thừa nhận sự thật hơn, dễ thừa nhận đạo lý hơn. Và do vậy, trong khoa học có cả đạo đức. Đó là bệ đỡ tinh thần cho con người trong cuộc hành trình đi tìm chân lý. Vậy đạo đức là gì? Hồ Chí Minh đã viết nhiều về đạo đức con người nói chung, nhưng đơn giản mà sâu sắc nhất trong minh triết Hồ Chí Minh về đạo đức của con người gói gọn trong bổn chữ: Cần, kiệm, liêm, chính.

Trong bài viết “Cần, kiệm, liêm, chính” đăng trên báo Cứu Quốc số ngày 30-5, 31- 5, 1-6 và 2-6 năm 1949, ngay ở phần mở đầu, Người đã đúc kết, so sánh bốn giá trị đạo đức của con người trong mối tương quan với các quy luật của tự nhiên và xã hội, bằng 6 câu thơ:

“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ,Thu, Đông;

Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc;

Người có bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính;

Thiếu một mùa, thì không thành trời;

Thiếu một phương, thì không thành đất;

Thiếu một đức, thì không thành người”11.

Như vậy, Người đã đề cao bốn đức tính cần, kiệm, liêm, chính như điều kiện cần đối với mỗi người trong đời sống và trong hoạt động xã hội. Và Người giải thích nội dung của 4 đức tính trên thật giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc và gần gũi với đời sống con người.

Theo Người thì Cần tức là cần cù, là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng, bền bỉ trong công việc của mình. Cần phải gắn với kế hoạch, nếu không thì mọi việc sẽ rối tung, kém hiệu quả. Cần phải đi với chuyên, cẩn cù mà dốt nát thì hiệu quả thấp, có khi trở thành phá hoại.

Kiệm là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, bừa bãi. Lãng phí là kẻ thù của tiết kiệm. Kiệm không phải là bủn xỉn. Kiệm là một đồng không đáng chi mà chi vẫn tiếc, nhưng việc đáng chi thì chi mười đồng cũng không tiếc.

Liêm là trong sạch, không tham lam. Chữ Liêm, theo Người còn phải hiểu theo nghĩa rộng là trung với Tổ quốc, hiếu với nhân dân. Có liêm thì không bao giờ vụ lợi, tất cả vì sự nghiệp của Đảng, của dân tộc.

Chính là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đúng đắn. Điều gì không đúng đắn, thẳng thắn, tức là tà. Và đó cũng là minh triết về đạo đức nói chung của Hồ Chí Minh. Từ đó, Người mở rộng ra minh triết về đạo đức cách mạng.

Đạo đức cách mạng là gì? Trong bài “Người cán bộ cách mạng” đăng trên báo Nhân dân ngày 3-3-1955, Người viết: “Đạo đức cách mạng có thể nói tóm tắt là: Nhận rõ phải trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với Nước. Tận hiếu với Dân...”12. Thực vậy, biểu hiện cao nhất về đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên là phải tận trung với nước, tận hiếu với dân, thực sự là công bộc của nhân dân, là đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Muốn thế, mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận rõ phải trái để kiên định, vững vàng giữ vững lập trường cách mạng, không dao động ngả nghiêng trước những khó khăn, thử thách, trước những biến động tiêu cực của thời cuộc. Muốn nhận rõ phải, trái thì mỗi cán bộ, đảng viên cần học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ lý luận chính trị, nghiệp vụ chuyên môn, rèn luyện kỹ năng để vận dụng lý luận vào thực tiễn công tác, với thái độ cầu thị, trong sáng. Đó chính là rèn luyện và nâng cao năng lực hoạt động để đáp ứng nhiệm vụ mà Tổ quốc và Nhân dân giao phó, để thực sự tận trung với nước, tận hiếu với dân.

Minh triết Hồ Chí Minh còn thể hiện rất rõ nét thông qua phong cách hoạt động của Người. Đã có rất nhiều câu chuyện kể về tấm gương phong cách Hồ Chí Minh. Chuyện kể rằng có lần, một đồng chí giúp việc hỏi Hồ Chí Minh một câu: “Thưa Bác, Bác có kinh nghiệm gì mà viết ngắn lại hay đến vậy ? Bác nói ngắn mà lại hay như vậy?”. Hồ Chí Minh rất khiêm nhường và bảo rằng: Bác không có kinh nghiệm gì cả, các chú cứ làm việc đi, tự khắc công việc sẽ mách bảo kinh nghiệm, và Người nói thêm: “Nếu các chú gọi là kinh nghiệm thì Hồ Chí Minh chỉ mách nhỏ các chú mấy câu: việc gì Hồ Chí Minh cũng phải trực tiếp làm”. Hồ Chí Minh giải thích là có trực tiếp làm mới thấu hiểu nỗi khó nhọc của cán bộ, mới biết thương cán bộ, mới biết sự phức tạp của công việc. Và Hồ Chí Minh đã tổng kết thành mấy câu rất đơn giản, ai cũng có thể hiểu và áp dụng vì dễ nhớ, dễ thuộc nhưng lại rất biện chứng và như là một chân lý, một minh triết về phong cách hành động. Đó là: Thực hành sinh ra hiểu biết, hiểu biết tiến lên lý luận, lý luận lãnh đạo thực hành13.

Trong học tập, rèn luyện và làm việc, chúng ta còn học được ở Hồ Chí Minh phương pháp tư duy sáng tạo, bổ sung vào lý luận mà không đi theo lối mòn khô cứng của lý luận, nhất là trong công tác cán bộ. Trong việc sử dụng cán bộ, Lênin đề ra công thức: “Chọn đúng người, giao đúng việc, kiểm tra thường xuyên”. Hồ Chí Minh bổ sung thêm là: “Chọn đúng người, giao đúng việc, kiểm tra thường xuyên, đãi ngộ xứng đáng”. Trong việc đãi ngộ, trả công cho người lao động, Lênin đề ra công thức: “Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng”, Hồ Chí Minh bổ sung thêm: “Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng, trừ người già và trẻ em”. Đó chính là tầm cao tư tưởng, với tư duy biện chứng sâu sắc, với tấm lòng bao dung, độ lượng và tình yêu bao la, là những minh triết Hồ Chí Minh dành cho dân tộc Việt Nam.

Ngoài ra, trong cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của Hồ Chí Minh có thể kể ra rất nhiều những câu chuyện về tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh, mà đó là những minh triết, minh triết về đạo đức Hồ Chí Minh.

Trong sinh hoạt, Hồ Chí Minh rất giản dị, thanh bạch và tiết kiệm. Người cho rằng, mỗi đồng tiền, bát gạo mà chúng ta tiêu dùng đều là mồ hôi nước mắt của dân. Thương dân thì phải tiết kiệm. Lãng phí là không thương dân. Tham ô, ăn cắp của dân là có tội với dân, với cách mạng. Đó chính là một minh triết. Trong điều kiện đất nước Việt Nam vừa giành được độc lập, vừa thoát khỏi hơn trăm năm đô hộ của thực dân, phong kiến, lại trải qua chín năm kháng chiến trường kỳ để bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được, đời sống nhân dân còn gặp muôn vàn khó khăn, vất vả thì quan điểm, tư tưởng đó của Hồ Chí Minh thật là thiết thực, gần gũi đời thường mà mấy người có được.

Làm người cán bộ trong bộ máy công quyền là nhằm phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội thì cần phải hiểu nhân dân, hiểu xã hội. Trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người cán bộ thì người cán bộ cần phải hiểu chức trách, nhiệm vụ của mình, và thực hiện chức trách, nhiệm vụ đó phải linh hoạt phù hợp với điều kiện cuộc sống xã hội, tránh quan liêu bàn giấy, tránh lý luận suông mù quáng mà vẫn kiên định với mục tiêu, lý tưởng, với đường lối mà Đảng đã chỉ ra.

Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh rất đời thường, rất dung dị và hòa với cách nghĩ, lối sống của nhân dân, là những tư tưởng thuộc về nhân sinh, đạo lý, là những đúc kết thành châm ngôn, gắn với đời sống, rất gần với thực tiễn và nó trở thành những chỉ dẫn về lối sống cho con người, nhưng lại bao hàm những tư tưởng nhân sinh rộng lớn và do đó, ai cũng có thể học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh miễn là người đó có tâm, quyết tâm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh để cho “đời ta trong sáng hơn”.


110 
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, Hà Nội, Tập 4, tr.161-162; 57

2       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, Hà Nội, Tập 5, Tr.289

3       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, H. tr. 232 -290

4-5,8,7Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, H. 2011, T.13, tr. 5, 376, 66,66-67.

8       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, Hà Nội, Tập 12, tr.672

9       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, H. Tập 8, tr 276.

11,13Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, H. Tập 6 tr 117, 247 
12 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, H. Tập 9 tr 354

TẠP CHÍ NGHIÊN cứu Hồ CHÍ MINH - số 6 /2020

  ★TS TRƯƠNG TIẾN HƯNG               

Hiệu trưởng Trường chính trị Ninh Thuận      

TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH NINH THUẬN
Địa chỉ: 168 Đường 21/8 - T.P Phan Rang - Tháp Chàm - Tỉnh Ninh Thuận
Điện thoại : 0259.3825543                  Email: